Theo IMF, căng thẳng thương mại sẽ đẩy tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% so với dự đoán 3,3% trước đó. Trong khi Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng dù không giữ được tốc độ như năm ngoái (mà nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ chu kỳ suy thoái kinh tế) thì Trung Quốc dường như đối mặt với nhiều thách thức hơn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Chiến tranh thương mại không chỉ gây tổn thương cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia khác. Theo Forbes, đây là 3 nước chịu tổn thất nhiều nhất khi nằm giữa cuộc đối đầu này.
1. Hàn Quốc: 203 tỷ USD
Hàn Quốc luôn phải đứng ở thế khó xử trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung. Quốc gia này là nhà cung cấp linh kiện máy tính cho Trung Quốc nhưng đồng thờ lại là đồng minh với Mỹ, chịu nhiều áp lực từ lời kêu gọi tẩy chay Huawei từ tổng thống Trump.
Hơn nữa, Samsung cùng các công ty công nghệ khác cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ những sản phầm được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này đang khiến thị phần của các thương hiệu xứ Hàn ở quốc gia hơn 1,4 tỷ dân suy giảm. Điển hình như sự lớn lên của các hãng điện thoại Huawei, Xiaomi,… đang khiến doanh thu của Samsung sụt giảm.
Hiện tại, đích đến của khoảng 25% hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu, tương đương 203 tỷ USD, là các cảng biển tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, một nền kinh tế đang chững lại đồng nghĩa với việc 203 tỷ USD này có nguy cơ bị thu hẹp.
2. Brazil: 76,9 tỷ USD
Brazil là nguồn hàng hóa quan trọng nhất của Trung Quốc, từ viên quặng sắt được sử dụng để sản xuất thép cho đến đậu nành. Tuy nhiên, nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu ít nhất 3 triệu tấn đậu nành của Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc thu mua ít hơn từ Brazil.
Forbes ước tính quốc gia Nam Mỹ này sẽ có thể chịu thiệt hại khoảng 76,9 tỷ USD.
3. Chile: 27,1 tỷ USD
Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Chile, chiếm hơn 27% giá trị xuất khẩu của nước này. Trong đó, phần lớn là kim loại như đồng và các khoáng sản thô khác. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tài sản cố định của Trung Quốc đang giảm dần, dẫn đến nhập khẩu ít vật liệu hơn.
Forbes cho biết đây là 3 nước phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, xét về hoạt động xuất khẩu. Trong tương lai, những nguy cơ từ căng thẳng thương mại leo thang cũng như kinh tế Trung Quốc phát triển chậm chạp, chắc chắn sẽ tiếp tục khiến những quốc gia này chịu nhiều ảnh hưởng hơn. Đó có thể là tích cực (Brazil bán nhiều đậu tương hơn sang Trung Quốc) hoặc tiêu cực (Trung Quốc chuyển hướng sang công nghệ và muốn người Hàn Quốc sản xuất tại đây thay vì họ phải nhập khẩu).