Nền kinh tế toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng lâu dài hơn khi Trung Quốc ở trong tình trạng như hiện tại. Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng đồng nghĩa một loạt công nhân không được đi làm, các nhà máy không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu thô. Hậu quả là hoạt động sản xuất trì trệ làm lưu lượng vận chuyển sụt giảm, quá trình lắp ráp mọi thứ từ ô tô đến smartphone đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Jörg Wuttke, chủ tịch của EuroCham tại Trung Quốc, nhận định: "Trung Quốc giờ đây như châu Âu thời trung cổ, khi mỗi nơi đều có các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt và gần 50 thành phố bị phong toả."
Số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc vẫn tăng lên cho thấy giới chức Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường dài trước khi dịch bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn. Bởi vậy, ngày càng rõ ràng rằng việc hoạt động sản xuất ở Trung Quốc - công xưởng của thế giới và một nhân tố quan trọng của thương mại toàn cầu, trở lại bình thường sẽ gặp nhiều trắc trở hơn, dù nỗ lực thực hiện những bước tiến lớn để khắc phục sự lây lan của virus corona.
Hoạt động sản xuất trì trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn
Hiện tại, mức độ thiệt hại vẫn đang lan rộng. Tuần trước, Nissan Nhật Bản cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy tại Kyushu trong 4 ngày vào cuối tuần trước do "thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc". Các nhà sản xuất ô tô khác như FCA của Italy hay Hyundai của Hàn Quốc cũng cảnh báo về việc thiếu nguồn cung để lắp ráp từ Trung Quốc, có thể khiến họ phải cắt giảm sản lượng ở thị trường trong nước.
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc - sự kiện với sự tham gia của những lãnh đạo doanh nghiệp và kinh tế gia hàng đầu, mới đây cho biết cuộc họp thường niên của họ đã bị hoãn vô thời hạn, khi dự kiến sẽ tổ chức vào tháng tới.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài đã kết thúc, các trung tâm kinh tế lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và Sơn Đông đã hoạt động trở lại vào đầu tuần trước. Dẫu vậy, hoạt động kinh doanh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Giao thông ở Bắc Kinh vẫn thông thoáng hơn nhiều so với thuờng ngày, các cửa hàng vẫn đóng cửa, nhiều người làm việc tại nhà hoặc hoàn toàn không làm việc.
Daimler, nhà sản xuất ô tô Mercedes của Đức, cho biết họ bắt đầu tăng cường sản xuất tại Trung Quốc khi hoạt động trở lại hôm 7/2. Tuy nhiên, rất nhiều công ty khác nói rằng các nhà máy của họ vẫn đóng cửa hoặc hoạt động sản xuất diễn ra chậm hơn bình thường. Ford Motor tiết lộ, liên doanh của họ với một số công ty nhà nước đã tái khởi động một số hoạt động sản xuất, nhưng sẽ phải tăng công suất trong vài tuần tới.
General Motors đã mở cửa nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc vào hôm thứ Bảy vừa rồi và sẽ dần mở cửa lại những nhà máy khác vào 1 tuần tới, "dựa vào sự sẵn sàng về mức độ an toàn của nhân viên địa phương, chuỗi cung ứng và nhu cầu tồn kho sản phẩm".
Hiện tại, vẫn chưa rõ sự trì trệ ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào quá trình lắp ráp nhiều bộ phận từ các nhà cung cấp khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đứng đầu danh sách là ngành công nghiệp sản xuất ô tô, bởi một chiếc xe có thể cần tới 30.000 bộ phận từ các nhà cung cấp khác nhau.
Các công ty Mỹ từ lâu đã nỗ lực đa dạng hoá, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi chiến tranh thương mại diễn ra. Tuy nhiên, rất nhiều bộ phận điều khiển, thiết bị điện tử và thậm chí là bản lề cánh cửa mà người Mỹ sử dụng vẫn đến từ Trung Quốc, theo Razat Gaurav - CEO của Llamasoft - một công ty logistics cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ ở Bắc Mỹ.
Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh là một phần nguyên nhân của sự trì trệ
Trung Quốc đã phong toả khu vực miền trung nước này, là thành phố Vũ Hán - trung tâm của dịch bệnh. Chính quyền các địa phương hiện đang đưa ra những lập trường cứng rắn hơn về vấn đề đi lại, điều này có nghĩa là người lao động đang gặp khó khăn khi trở lại với công việc. Nhiều khu dân cư và thành phố đã áp dụng quy định bắt buộc cách ly 2 tuần đối với những tài xế xe tải đến, những người nhận hàng hoá trong các thành phố gần khu vực có dịch hoặc thậm chí là những xe đi qua khu vực đó.
Wu Lin, giám đốc một công ty quảng cáo ở Thượng Hải, vừa trở về Vũ Hán đón Tết hôm 21/1 và quay trở lại Thuợng Hải bằng tàu cao tốc vào ngày 2/2. Tuy nhiên, vé tàu của chị đã bị huỷ bỏ sau khi Vũ Hán bị phong toả. Dù nhiều lần nỗ lực tìm cách di chuyển ra ngoài thành phố nhưng Lin đều thất bại.
Theo Tim Huxley, CEO của Mandarin Shipping - công ty vận tải của Hồng Kông, các nhà máy đóng tàu trên khắp quốc gia đều đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Các công ty đóng tàu và cung cấp dịch vụ sửa tàu phải trì hoãn thời hạn hoàn thành các dự án do thiếu hụt nhân sự, cho biết đây là tình huống ngoài tầm kiểm soát.
Bên cạnh những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh, thì quốc gia với 300 triệu lao động nhập cư này lại có một lý do khác để di chuyển đến các thành phố khác, đó là con em họ vẫn chưa phải đến trường. Tuỳ mỗi địa phương, nhiều trường học ở Trung Quốc hiện dự kiến vẫn chưa mở cửa trở lại cho đến ngày 25/2 hoặc 1/3.
Ông Wuttke nhận địch, dù các nhà máy có đủ nhân viên quay trở lại làm việc cũng phải đối diện với nhiều vấn đề khác. Ngành công nghiệp bao bì gần như ngừng hoạt động, do đó mọi thứ từ bao bì nhựa cho đến trống thép gần như không còn hàng.
Trước khi các trung tâm sản xuất lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Tô Châu hay Nam Kinh mở cửa trở lại, thì họ phải khai báo đầy đủ lịch sử di chuyển và sức khoẻ của mỗi nhân viên trong những tuần qua. Họ phải kiểm tra thân nhiệt của nhân viên thường xuyên, có quy định rửa tay thường xuyên và lên kế hoạch cách ly, đưa đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh đến bệnh viện. Điều khó khăn nhất đó là các doanh nghiệp không thể mở cửa trở lại mà không có sự chấp thuận đối với các kế hoạch y tế từ các quan chức thành phố. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn phải chờ đợi một chuyến thăm thực tế của giới chức y tế.
Tham khảo NYT