Chịu tác động từ nền kinh tế suy giảm theo chu kỳ và căng thẳng thương mại leo thang, kinh tế Trung Quốc lại tiếp tục phát đi tín hiệu xấu với sản lượng công nghiệp tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất kể từ 2002 và doanh số bán lẻ cũng sụt giảm trong tháng 7.
Theo báo cáo vừa được công bố, sản lượng công nghiệp tháng 7 tăng trưởng 4,8% so với 1 năm trước, doanh số bán lẻ tăng trưởng 7,6% trong khi tốc độ tăng đầu tư tài sản cố định giảm xuống còn 5,7% trong 7 tháng đầu năm. Mặc dù có một số yếu tố mùa vụ tác động tiêu cực đến số liệu, tất cả những con số này đều thấp hơn mức dự báo được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó.
Dữ liệu này cũng trùng khớp với nhu cầu tín dụng yếu ớt trong tháng 7, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang vật lộn để ổn định trở lại. Động thái hoãn áp thuế mới đây của Tổng thống Trump khiến thị trường vui lên, nhưng các công ty xuất khẩu vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều bất ổn.
"Nền kinh tế đang phải chịu những cơn gió ngược rất mạnh và đang suy yếu. Sẽ cần thêm các chính sách tiền tệ có mục tiêu và nới lỏng tín dụng. Chúng tôi dự báo lãi suất sẽ hạ vào mùa thu", Gene Ma, chuyên gia kinh tế của IIF tại Washington nhận định.
Sản lượng công nghiệp tăng trưởng yếu nhất kể từ 2013 trong khi tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng – một trụ cột quan trọng của chiến dịch kích thích kinh tế, cũng suy yếu xuống mức 3,8%. Cuộc chiến thuế quan có thể khiến Trung Quốc thực hiện nhanh hơn quá trình dịch chuyển trọng tâm nền kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ và bán lẻ, số liệu tháng 7 cho thấy các lĩnh vực này cũng bị suy yếu.
Doanh số bán lẻ tiếp tục bị kéo lùi bởi thị trường ô tô do người mua ở thị trường xe hơi lớn nhất thế giới không còn hào hứng. Trong tháng 7, Trung Quốc áp dụng quy định mới về tiêu chuẩn khí thải trong lĩnh vực chiếm hơn 60% tổng số ô tô bán ra. Quy định mới được áp dụng sớm hơn dự tính khiến các nhà sản xuất gặp khó vì người mua trì hoãn quyết định mua xe. Đồng thời lợi nhuận của các hãng cũng đang bị ảnh hưởng bởi chương trình khuyến mại nhằm giảm lượng tồn kho.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cắt giảm thuế để thúc đẩy chi tiêu, đồng thời có các chương trình ưu đãi tín dụng ở các ngân hàng để tài trợ thêm vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để ngăn nền kinh tế suy giảm và các chuyên gia kinh tế bắt đầu kêu gọi Chính phủ hãy thực hiện các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa, bất chấp nguy cơ nợ tăng và những rủi ro đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính.