Công trình thế kỷ
Tòa nhà lớn nhất thế giới có một khởi đầu không mấy hoan hỉ. Năm 2013, ngay trước ngày khánh thành, Deng Hong, người xây dựng tổ hợp mua sắm và văn phòng hiện đại này, biến mất.
Suốt mấy năm trước đó, Deng được báo chí ca ngợi vì đã biến những cánh đồng thành các khách sạn và trung tâm hội nghị tráng lệ. Vị tỷ phú được mệnh danh là "vua hội nghị" có dáng điệu bảnh bao, luôn ngậm xì gà và biết cách làm hài lòng các vị quan chức. Deng thường xuyên nhận được những hợp đồng béo bở, trong đó có dự án trung tâm thương mại ở ngoại ô Thành Đô, thành phố 14 triệu dân nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc. Theo dự kiến, New Century Global Centre sẽ là công trình khiến Deng tự hào nhất, là tòa nhà lớn nhất thế giới với diện tích mặt sàn tương đương 246 sân bóng đá tiêu chuẩn, lớn gấp 3 lần Lầu Năm Góc hay 8 lần bảo tàng Louvres.
Tuy nhiên ngay trước khi công trình này mở cửa, Deng bị cuốn vào một vụ điều tra tham nhũng. Cuối cùng New Century Global Centre lại trở thành biểu tượng cho những dự án hoang phí, cho mô hình kinh tế bị phụ thuộc quá nhiều vào nợ của Trung Quốc. Bên trong New Century Global Centre là 1 công viên nước khổng lồ với bãi biển nhân tạo, sân trượt băng, rạp chiếu phim 15 màn hình, khách sạn 1.000 phòng, 2 trung tâm thương mại siêu lớn nhưng ở đây hoàn toàn vắng bóng người.
Ngày nay, khi đã gần 6 năm trôi qua, câu chuyện về New Century Global Centre lại mang đến những ý nghĩa hoàn toàn mới. Cuối cùng thì tòa nhà này lại không hoàn toàn là một thảm họa. Dưới nắng nóng mùa hè, công viên nước chật ních người. Trung tâm mua sắm cũng sống lại nhờ sự nổi lên của tầng lớp trung lưu. Và tòa nhà văn phòng hiện là nơi làm việc của 30.000 người ở đủ mọi ngành nghề, từ lập trình viên đến chăm sóc thú cưng.
Deng đã ra tù và quay trở lại với công việc kinh doanh. Nhưng ông không còn là chủ của New Century Global Centre nữa mà hiện là một người làm công ăn lương tại đây. New Century Global Centre đã được một cơ quan nhà nước mua lại. Tuy nhiên một lần nữa giao dịch này lại đang bị điều tra vì nghi ngờ có gian lận tài chính. Mây đen lại một lần nữa phủ bóng lên công trình đang hồi sinh mãnh liệt.
Những cuộc thảo luận về tương lai kinh tế Trung Quốc cũng thường đảo chiều chóng vánh như thế. Một mặt, nó được coi là một cường quốc kinh tế đang phát triển như vũ bão, khó có thể bị ngăn cản trên con đường trở thành nền kinh tế thống trị thế giới trong phần còn lại của thế kỷ 21. Mặt khác, có không ít lập luận cho rằng kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi kịch bản sụp đổ.
Và tình cờ cuộc chiến thương mại nóng bóng với Mỹ lại đạt được sứ mệnh mang hai quan điểm này đến với nhau: phản ánh được nỗi lo sợ rằng phải kiềm chế được Trung Quốc trước khi nước này trở nên quá mạnh, đồng thời cũng để lộ những điểm yếu trong nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, những câu chuyện xoay quanh New Century Global Centre – từ quá trình xây dựng đến ngày khánh thành và cuộc chuyển mình của công trình này – cho thấy một tương lai hoàn toàn khác. Kinh tế Trung Quốc sẽ không thành công vang dội, cũng không thất bại thảm hại mà sẽ bước vào một quá trình đấu tranh mãnh liệt, một cuộc chạy đua giữa tiềm năng khổng lồ và những vết rạn nứt đang xuất hiện ngay tại nền móng. Mỹ chỉ là vai phụ trong "vở kịch" này, và người Trung Quốc đang tự viết nên lịch sử của họ.
Những người nông dân mất đất
Xung quanh New Century Global Centre hiện là những con đường rộng thênh thang và các tòa nhà cao chót vót. Tuy nhiên trước đây đó là cánh đồng của Huang Fenyu, một người phụ nữ mập mạp năm nay đã ngoài 50 tuổi, và hàng trăm người dân của ngôi làng Yumin. Họ là những người nông dân quanh năm sống theo nhịp điệu của nhà nông: cấy lúa vào mùa xuân và thu hoạch hoa màu vào mùa thu.
Năm 2005, nhịp điệu ấy bỗng nhiên bị gián đoạn. Các quan chức Thành Đô di dời người dân làng Yumin đến khu tái định cư cách đó ít phút lái xe. Mỗi người nhận được 35m2 mặt sàn và khoảng 8.000 nhân dân tệ (tương đương 2 năm thu nhập). Ngôi làng với những con đường đất nhỏ hẹp, ruộng lúa và những ngôi nhà gỗ một tầng đơn sơ hoàn toàn biến mất. Sau khi san ủi, nơi đây trở thành khu đất rộng 80 hecta. Tháng 9/2008, khu đất được bán cho công ty của Deng với giá 480 triệu nhân dân tệ.
Bà Huang hiện làm bảo vệ cho 1 ngân hàng ở gần đó. Bà biết rằng số tiền đền bù mình nhận được là quá bèo bọt: một lần bà tới New Century Global Centre ăn tối và bữa tối đó đáng giá tới 2 ngày lương. Tuy nhiên bà không cảm thấy quá đau khổ. Nơi ở mới có đường ống nước tốt hơn và những bức tường vững chãi hơn. Bà cũng cho rằng thế hệ con cháu của mình sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế địa phương tốt lên.
Niềm lạc quan của bà Huang là thứ thường thấy trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Mặc dù nằm cách nơi bà Huang đang sống tới 5km, tòa nhà mới lớn đến nỗi trông như ở ngay gần, và ánh đèn sáng rực vào buổi đêm mang đến vẻ sống động cho cả vùng.
Trên khắp Trung Quốc có rất nhiều cuộc chuyển mình từ những cánh đồng thẳng cánh cò bay thành các công trình xây dựng hiện đại như ở làng Yumin. Đó cũng là câu trả lời căn bản nhất cho câu hỏi làm thế nào kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh đến vậy.
(Còn tiếp)