Peter Wang đang ngủ tại nhà của anh ở Bắc Kinh hôm thứ Hai tuần trước khi cảnh sát đến trước bình minh để bắt giữ anh ta, nói rằng anh ta đã giúp tổ chức một cuộc biểu tình được lên kế hoạch cho ngày hôm sau.
Trên khắp thành phố, những người khác đã mất các khoản tiền đầu tư vào các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến của Trung Quốc - bao gồm một số người đến từ những nơi xa xôi như Sơn Đông và Sơn Tây – cũng bị cảnh sát hỏi thăm. Những người này có kế hoạch sử dụng các nhóm chat trên các mạng xã hội để tổ chức biểu tình yêu cầu chính phủ bảo lãnh hàng trăm công ty P2P bị sụp đổ. Tuy nhiên khu vực xung quanh các văn phòng của Ủy ban giám sát bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) tại quận tài chính của Bắc Kinh đều được canh phòng cẩn mật.
Những người đã tới khu vực biểu tình đã bị buộc phải lên xe buýt và bị đưa đến Jiujingzhuang, một trung tâm giữ người khởi kiện ở ngoại ô Bắc Kinh, theo hai nhà đầu tư P2P.
Quy mô của ngành công nghiệp P2P của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, với dư nợ 1,49 nghìn tỷ NDT ( tương đương 217,96 tỷ USD), theo trang web p2p001.com do Viện nghiên cứu tài chính Internet Thâm Quyến Qiancheng quản lý.
P2P, là nền tảng thu thập tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và sau đó cho các công ty nhỏ và cá nhân vay với lợi nhuận cao đầy hứa hẹn, bắt đầu phát triển ồ ạt gần như không được kiểm soát ở Trung Quốc từ năm 2011. Tại đỉnh cao vào năm 2015, đã có khoảng 3.500 doanh nghiệp như vậy.
Nhưng sau khi Bắc Kinh bắt đầu một chiến dịch để xoa dịu các bong bóng nợ và giảm thiểu rủi ro trong nền kinh tế, bao gồm cả khu vực cho vay phi ngân hàng lớn của nước này, các vết nứt bắt đầu xuất hiện khi các nhà đầu tư rút tiền.
Kể từ tháng 6, 243 nền tảng cho vay trực tuyến đã bị phá sản, theo wdzj.com, một nhà cung cấp dữ liệu ngành công nghiệp P2P khác. Trong thời gian đó, ngành công nghiệp này đã chứng kiến tháng đầu tiên ít nhất kể từ 2014 chứng kiến dòng vốn bị rút ròng.
Sự bùng nổ mới nhất của cơn phẫn nộ, dẫn đến các cuộc biểu tình được lên kế hoạch, bùng lên trước hạn chót 30/6 để các công ty tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành kinh doanh mới. Các tiêu chuẩn này vẫn đang được hoàn thiện.
Nhiều công ty thà đóng cửa còn hơn là tuân thủ các tiêu chuẩn này, Zane Wang, giám đốc điều hành của công ty cho vay vi mô trực tuyến China Rapid Finance, nói với Reuters.
Điều đó gây hỗn loạn trong thị trường rộng lớn này. Các nhà đầu tư đã cố gắng để rút tiền từ các công ty P2P, gây ra vấn đề thanh khoản cho nhiều nhà khai thác nhỏ hơn, Wang cho biết, mặc dù những nhà đầu tư lớn hơn đang làm ăn tốt hơn.
"Một số nền tảng có thể trở thành người chiến thắng trong số này, và một số nền tảng, có lẽ phần lớn các nền tảng, có thể không còn khả năng hoạt động", ông nói.
Bắc Kinh đang tìm cách trấn an mọi người rằng nền kinh tế Trung Quốc và thị trường tài chính lành mạnh bất chấp một cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự sụt giảm mạnh về giá trị của giá cổ phiếu và đồng nhân dân tệ.
Dẹp yên sự hỗn loạn
Việc cho vay ngang hàng được các công ty như LendingClub ở Mỹ đi tiên phong, nhưng ở Trung Quốc nó đã mở rộng trên quy mô lớn khi các công ty được hỗ trợ trên nền tảng của chính phủ để đổi mới tài chính nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngành công nghiệp này mở rộng quá nhanh để các nhà quản lý có thể bắt kịp.
Nhiều nền tảng P2P cho khách hàng có thể bị coi là quá mạo hiểm đối với một ngân hàng thương mại. Khủng hoảng thanh khoản sẽ xảy ra khi có quá nhiều nhà đầu tư yêu cầu rút tiền cùng một lúc nếu các khoản vay gặp rắc rối.
Cũng có những trường hợp hoàn toàn là gian lận, nổi tiếng nhất là Ezubao – vụ lừa đảo Ponzi trị giá 7,6 tỷ USD liên quan đến hơn 900.000 nhà đầu tư.
Hơn 100 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước của Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động P2P và 32 trong số đó sở hữu hơn 30% của một công ty P2P, theo một báo cáo nghiên cứu của CITIC Securities.
CITIC Securities ước tính rằng theo chiến dịch làm sạch, chỉ có khoảng 100 nền tảng trong số 1.836 nền tảng sẽ có thể đáp ứng ngay cả các tiêu chuẩn quy định hiện nay và có được giấy phép. Ít hơn 50 nền tảng sẽ phát triển mạnh.
Các chuyên gia cho rằng các công ty lớn hơn có lẽ sẽ được hưởng lợi từ các quy định vững chắc hơn. Nhưng hiện tại, các công ty niêm yết trong ngành đã thấy giá cổ phiếu của họ bị sụt giảm thê thảm.
Cổ phiếu của một số công ty P2P Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giảm mạnh. Cổ phiếu của Công ty China Rapid Finance đã mất 73% trong năm nay, trong khi Yirendai đã giảm 71%. PPDai đã giảm 44%, và Hexindai 27 %.
Tang Ning, người sáng lập và là giám đốc điều hành của CreditEase, chủ sở hữu phần lớn nền tảng cho vay P2P Yirendai, nói với Reuters rằng ông lo ngại rằng "sự hỗn loạn toàn ngành" sẽ leo thang.
Ông kêu gọi các nhà quản lý "hành động với một sự cấp bách" để bảo vệ các công ty P2P tốt hơn trong khi trừng phạt những người lừa đảo để tránh làm tổn hại đến hệ thống tài chính và nền kinh tế của Trung Quốc.
"Nếu không, nó sẽ là 'mùa đông lạnh lẽo' cho ngành công nghiệp này. Tất cả các công ty sẽ bị đàn áp, kể cả bất hợp pháp hay tuân thủ theo quy định. Mọi người sẽ thua thiệt và đó là một tình huống không ai muốn nghĩ tới", Tang nói. "Các doanh nghiệp nhỏ sẽ mất một nguồn tài chính quan trọng hoặc quan trọng nhất. Đó không chỉ làm tổn hại đến hệ thống tài chính mà còn là nền kinh tế thực sự".
Đối với Wang, nhà đầu tư Bắc Kinh, sự thiệt hại là rất lớn. Ông và gia đình ông đã đầu tư 7 triệu nhân dân tệ tiền tiết kiệm của họ, mà họ đã lên kế hoạch sử dụng để mua nhà vào cuối năm, cho hai nền tảng P2P đã đóng cửa.
Họ không thu hồi được khoản đầu tư nào của họ.
"Chúng tôi là những người tị nạn tài chính, không phải là những tên cướp. Điều duy nhất chúng tôi muốn là lấy lại tiền của chúng tôi, ít nhất là một phần của nó", Wang nói.