Mới đây tại chương trình Talkshow Phố Tài chính, ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã chia sẻ quan điểm về tác động của xung đột Nga – Ukraine đến kinh tế Việt Nam.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine không tác động trực tiếp đến Việt Nam
Lý giải về điều này, Kinh tế trưởng MBS cho biết kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga, Việt Nam và Ukraine chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với toàn cầu.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó không tránh khỏi tác động liên quan đến áp lực lạm phát. Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu ròng đối với các sản phẩm từ dầu mỏ, các sản phẩm hóa dầu, hiện tại giá trị khoảng 6 tỷ USD. Do đó, giá dầu tăng lên 10% thì nền kinh tế sẽ phải tốn thêm khoảng 600 triệu USD, tăng lên 20% thì kinh tế tốn 1,2 tỷ USD.
Ngoài ra, cuộc xung đột lần này có thể ảnh hưởng đến yếu tố lạm phát xăng dầu và cũng như các hàng hóa liên quan đến các dịch vụ giao thông vận tải vốn là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ.
Theo ông Tuấn, giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng trên 3% trong giỏ CPI. Nếu giá dầu tăng khoảng 10%, ảnh hưởng đến CPI sẽ khoảng 0,2%. Tuy nhiên nếu giá dầu tăng 20-30% sẽ tác động CPI đáng kể, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam mới trải qua giai đoạn dịch Covid-19 và vẫn trong giai đoạn phục hồi.
Về vấn đề này, ông Ngô Việt Đức, Trưởng Tài chính số, Ngân hàng Westpac, Australia nhận định, Ukraine là đất nước thiên về xuất khẩu nông sản, mặt hàng lúa mạch, dầu thực vật cũng như một số mặt hàng nông sản khác chiếm chủ đạo và họ chủ yếu xuất khẩu vào châu Âu.
"Đôi khi đó là cơ hội của một số doanh nghiệp Việt Nam tìm cách mở rộng nguồn cung vào châu Âu khi họ đang thiếu hụt mặt hàng ấy", ông Đức cho hay.
Áp lực lạm phát của năm 2022 cao hơn năm 2021
Bàn về lạm phát, ông Tuấn nói: "Trong năm 2020 và năm 2021 mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm tuy nhiên để hỗ trợ nền kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành ba lần cộng thêm duy trì mức độ cung tiền khá lớn, từ đó tạo một lượng tiền dư cho nền kinh tế".
Ngoài ra, nguyên nhân có thể đến từ cầu kéo và chi phí đẩy. Khi mở cửa lại nền kinh tế và gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế chuẩn bị được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới thì tổng cầu nền kinh tế tăng rất mạnh trong năm 2022 so với năm 2021.
Theo đánh giá của Kinh tế trưởng MBS, một loạt mặt hàng cơ bản tăng, nhu cầu trên toàn cầu sẽ tăng không chỉ ở Việt Nam trong khi nguồn cung không thể quay trở lại một cách nhanh chóng khi bối cảnh dịch Covid-19 vẫn gây ra đứt gãy cung ứng toàn cầu. "Chúng tôi đánh giá lạm phát trong năm 2022 khoảng 3,5% đến 4%. Tuy nhiên, yếu tố về Nga và Ukraine hiện nay là yếu tố chưa lường trước được", ông Hoàng Công Tuấn chia sẻ.
Về vấn đề giá dầu liên tục tăng trong thời gian qua, ông Ngô Việt Đức cho rằng, lạm phát và các chi phí đầu vào các doanh nghiệp đều sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nhìn vào mặt tích cực, theo một số nhà kinh tế đã nghiên cứu, giả sử giá dầu thô tăng 10%, nhu cầu muốn sử dụng dầu sẽ giảm xuống 3%. Điều này có nghĩa là giá dầu tăng có thể giúp cho nền kinh tế hướng dần đến nền công nghiệp sạch hơn.
Chẳng hạn, mọi người sẽ đẩy nhanh xu thế sử dụng ô tô điện hoặc chuyển sang dòng dùng ít dầu hơn và nhiều động cơ điện hơn. Những điều này có thể là một chỉ báo cho một nền kinh tế theo hướng tốt hơn đối với môi trường và kinh tế nói chung.