Ông Jacques Morisset phát biểu: "Việt Nam đã đạt được những kết quả rất ấn tượng trong năm 2020, điều mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều phải ghen tị. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả tốt không có nghĩa rằng tất cả các doanh nghiệp đều đạt được những thành tựu như vậy".
Theo ông, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng bất bình đẳng bởi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các doanh nghiệp khác. Nhìn chung, trong giai đoạn dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp đã điều chỉnh theo giảm trừ. Ví dụ như giảm lương, giảm hoạt động...
"Đây sẽ tiếp tục là xu hướng điều chỉnh trong thời gian tới", đại diện WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, khi các doanh nghiệp có thể tự điều chỉnh thông qua số hoá, thương mại điện tử... thì cần tiếp tục phát huy khả năng này. "Bởi chỉ khi thị trường thất bại thì lúc đó bàn tay của Chính phủ mới cần can thiệp nhiều hơn và hỗ trợ nhiều hơn".
Đặc biệt, đối với khu vực phi chính phức, ông Jacques nhấn mạnh đây là khu vực không có cơ hội tiếp cận được với chính sách hỗ trợ. Thách thức ở đây đó là cần xác định doanh nghiệp tại khu vực nào bị ảnh hưởng. "Bởi chúng ta không có một bức tranh đồng nhất để xác định được những đối tượng bị ảnh hưởng trong khu vực phi chính thức này".
Ngoài ra, cách thức hỗ trợ trực tiếp cũng rất khó khăn bởi không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Jacques đề cập, Mobile Money sẽ là một trong những giải pháp đáng chú ý. Khi ứng dụng này được áp dụng rộng rãi sẽ giúp giảm rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận những nguồn hỗ trợ tài chính.
Liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, ông Jacques Morisset khẳng định Việt Nam đang có một vị thế tốt trong chuỗi cung ứng trên thế giới khi thương mại tất cả các quốc gia khác đều sụt giảm, nhưng Việt Nam lại tăng. "Như vậy, mặc dù toàn bộ chiếc bánh thu nhỏ lại nhưng miếng bánh dành cho Việt Nam thì to hơn", ông cho hay.
Song, Việt Nam vẫn còn đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đang ở tuyến đầu so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, nhưng việc phổ biến vaccine lại đi sau, bởi nguồn cung cũng như khả năng tiếp cận vaccine.
Thứ hai là động lực thúc đẩy kinh tế xanh, đặc biệt khi các doanh nghiệp từ châu Âu, Mỹ đều đánh thuế sử dụng carbon. Nếu Việt Nam muốn bán ra các thị trường này thì cần phải chứng minh rằng trong hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp Việt đã áp dụng công nghệ ít carbon. "Nếu không, Việt Nam sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh và mất nhiều chi phí hơn", ông Jacques kết luận.