Tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới T7/2020: “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”, phóng viên đã đặt câu hỏi: "Chúng ta đang trải qua làn sóng Covid-19 tiếp theo và đang có lây lan trong cộng đồng ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Nếu như phải giãn cách xã hội và phong tỏa thì tác động với nửa sau của năm sẽ ra sao và nếu tình hình tiếp tục xấu đi liệu Việt Nam có tăng trưởng âm hay và năm tới hay không?".
Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trả lời: "Dựa trên những gì chúng ta chứng kiến vào tháng 4, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, khi chúng ta đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế, trên góc độ y tế là hoàn toàn phù hợp, cứu sống sinh mạng là việc phải ưu tiên. Dĩ nhiên, nếu chúng ta đóng cửa tất cả mọi thứ thì tổn thất kinh tế là rất lớn, và điều này cũng đang diễn ra với Việt Nam.
Khi chính phủ thấy rằng 30 triệu người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì hầu hết đều bị ảnh hưởng trong thời điểm cách ly. Việt Nam cách ly 3 tuần triệt để là tương đối ngắn, như Argentina là tới 3 tháng. Như vậy so với thế giới là ngắn rồi. Tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chống chịu tốt. Tôi cũng muốn nói thêm là người Việt Nam tiết kiệm rất tốt nên rất nhiều hộ kinh doanh cá thể đang dùng ngay căn nhà để kinh doanh. Họ có khả năng khôi phục nhanh chóng sau khi kết thúc cách ly vào tháng 4.
Nhưng nếu có vài cuộc cách ly thì người dân có thể tiếp tục chống chịu hay không? Tôi không biết câu trả lời thế nào nhưng các cấp có thẩm quyền chắc chắn đã cân nhắc vấn đề này. Rất rủi ro nếu để xảy ra tử vong vì Covid-19 nên tôi nói ra thì dễ nhưng để ra quyết định thì khó nên chính phủ sẽ phải cân nhắc rất nhiều".
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có còn là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới, bà Stefanie Stallmeister - Quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: "Tôi cho rằng vẫn đúng. Chúng tôi dự báo Việt Nam vẫn sẽ nằm trong top tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng ông Jacque cũng nói, chúng ta không dự báo được tương lai và không biết "bầu trời" trong một hai tuần tới sẽ như thế nào. Nhưng hiện nay rõ ràng chúng ta vẫn đang thấy Việt Nam là một ngôi sao sáng trên bầu trời tăm tối. Chúng tôi vẫn duy trì nhận định này, thời điểm này vẫn đúng như vậy, tương lai thì chưa thể biết sẽ thế nào".
Ông Jacques bổ sung: "Không những Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới mà quan trọng là chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam có chính sách phù hợp để ứng phó với khủng hoảng. Tôi không nói Việt Nam chi tiêu nhiều hơn mới tốt hơn, mà tôi muốn nói Việt Nam còn có khả năng tiết kiệm để có vị thế có thể chi tiêu tốt hơn và nhiều hơn, không phải quốc gia nào cũng được như vậy. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế số, Việt Nam có cơ hội để hướng tới nền kinh tế không tiếp xúc. Việt Nam có nền tảng rất tốt nên có vị thế để ứng phó tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia trên thế giới".