Nhà đầu tư lo ngại lạm phát toàn cầu
Tông màu trên thị trường chứng khoán ngày 14/6 đã cải thiện đáng kể so với ngày 13/6 khi VN-Index có phiên tăng điểm nhẹ sau phiên giảm điểm khá mạnh ngày 13/6, trong đó, sự bùng nổ của cổ phiếu dầu khí, thuỷ sản, hoá chất có đóng góp đáng kể. Điểm trừ là thanh khoản toàn thị trường trong phiên phục hồi lại khá yếu khi giảm tới 26% so với phiên trước. Phải thừa nhận là tâm lý e dè và thận trọng trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao vẫn chiếm phần không nhỏ.
Anh Phạm Việt Duy, Hà Nội, chia sẻ: "Phiên vừa rồi có lạm phát xảy ra , tôi cũng tương đối sơ hại vì nó đạt đỉnh của Mỹ nhiều năm trở lại đây và ảnh hưởng hành động lãi suất FED, làm tâm lý mình không ổn định.
Việt Nam có đủ khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%
Lạm phát có lẽ là từ khoá được các nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất và cũng e ngại nhất vào thời điểm này. Lạm phát sẽ tác động ra sao tới kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu , có lẽ là bài toán khó giải ở thời điểm này và gây tranh cãi với ngay cả những tổ chức phân tích hàng đầu thế giới. Thế nhưng, với Việt Nam, dù đây là thách thức không hề nhỏ nhưng Việt Nam vẫn có đủ công cụ để kiềm chế lạm phát trong mục tiêu đặt ra là dưới 4%.
Ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm, Kiềm chế giá xăng dầu, tăng nguồn cung nội địa. Và mấu chốt quan trọng hơn cả, theo Tổng cục Thống kê, nếu chưa tiến hành tăng giá lĩnh vực giáo dục như lộ trình, thì lạm phát năm nay dự báo vẫn trong khoảng từ 3,5-3,9%.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê - nói: "Mục tiêu 4% Quốc hội đặt ra là khả thi,nếu kịp thời thực hiện các giải pháp những tháng cuối năm".
Thậm chí, Ngân hàng phát triển Châu Á ADB còn nhận định, bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát thế giới gia tăng còn đang tạo ra nhiều cơ hội hơn với Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định: "Chúng ta với nền kinh tế mở, ổn định, lao động… sẽ tương đối hấp dẫn, không phải tương đối, mà rất hấp dẫn với các tập đoàn đa quốc gia. Thứ 2 là khủng hoảng lương thực tăng cao mà Việt Nam xuất khẩu lương thực thì Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ việc đó".
Những cơ hội như vậy trong bối cảnh lạm phát, theo kinh tế trưởng của ADB, sẽ giúp tạo ra các nguồn thu mới, để từ đó giúp cân đối ngân sách dành cho việc kiểm soát lạm phát.
Ổn định được lạm phát cũng chính là tiền đề để mang lại giá trị cho đà phục hồi kinh tế của Việt Nam và đây cũng là thế mạnh của Việt Nam. Báo cáo công bố mới nhất Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, bất chấp bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lực cầu của nền kinh tế.
Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước tháng 5 tăng khoảng 29,4% so với cùng kỳ năm trước, giúp Ngân sách Nhà nước duy trì bội thu 5 tháng liên tiếp. Tỷ lệ vay nợ trong nước, theo Ngân hàng Thế giới, cũng ở mức thấp, chỉ bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tín dụng 5 tháng tăng trưởng mạnh mẽ tới 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB), nói: "Tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp và sản xuất của Việt Nam tháng 5 là hơn 10%, tức là đã quay trở lại mức trước đại dịch. Chỉ số PMI có mức tăng mạnh nhất trong 1 năm qua, cho thấy triển vọng mở rộng của lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận nhu cầu nội địa tăng đột biến".
Như ví von của đại diện quỹ ngoại Dragon Capital, trong ngắn hạn, sẽ còn những 'hố bom', nhưng dài hạn, lại là một mỏ vàng khi triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi đã không còn xa. Quản trị tâm lý ra sao để tránh được những 'hố bom', có lẽ là điều quan trọng hơn cả với các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI: Trading theo kiểu xu hướng ngắn hạn trong uptrend như 2020, 2021 rất khó xảy ra trong năm nay. Cơ hội của những giai đoạn có những điềulàm giảm định giá chung như giai đoạn này sẽ phù hợp với những dòng tiền đầu tư có tầm nhìn dài hạn hơn, đi mua những cổ phiếu rẻ bởi đã khá lâu rồi tôi mới nhìn thấy một cơ số những cổ phiếu đầu ngành có định giá thấp như bây giờ.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCP Chứng khoán DNSE: Ngân sách vẫn bội thu, PMI tháng 5 của chúng ta rất cao khoảng 55 điểm, từ những triển vọng kinh tế vẫn khả quan như vậy tôi cho rằng đây là thời gian để chúng ta mua đầu tư dài hạn.
Ông Ivan Paulo, nhà sáng lập Koi Capital: Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam vì chúng tôi nhận thấy rằng tiềm năng vô cùng lớn đến từ phía nhân lực và kinh tế. Những lĩnh vực chúng tôi muốn khuyến khích đầu tư là: bia rượu nước giải khát, dịch vụ, ăn uống cho đến lĩnh vực giáo dục. Đây đều là những lĩnh vực đầu tư có thể đem lại lợi nhuận và giá trị về lâu dài. 6-8 năm tới Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu tại Đông Nam Á.
Theo quan sát của Công ty chứng khoán Maybank, dòng tiền đầu tư cá nhân vẫn đang chờ đợi thêm thông tin và những cơ hội thực sự rõ ràng, để sớm quay trở lại. Chỉ trong một tháng nữa, kết quả kinh doanh quý 2, cùng kết quả kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, hứa hẹn sẽ là chất xúc tác được cả thị trường chờ đón.