Năm mới 2023 cần phải làm gì? Đầu xuân, Tuổi Trẻ Xuân tổ chức bàn tròn với các ý kiến đặt ra những giải pháp gợi mở để chúng ta tiếp tục đứng vững giữa thế giới dự báo còn nhiều dông bão.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII ngày 15-12-2022
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển: Nhận diện đúng để xác định giải pháp đúng
Năm 2023 được dự báo kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động, khó khăn. Việt Nam là một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng nên việc bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.
Do đó với bước đệm của năm 2022, Việt Nam cần chuẩn bị tốt và cải cách mạnh mẽ hơn nữa để kịp thời ứng phó, tạo ổn định, phục hồi, phát triển.
Trong đó giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, phát triển hạ tầng để phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thị trường vốn.
Với các giải pháp ngắn hạn trong năm 2023 cần rõ ràng, cụ thể, chứ không thể chung chung. Cần nhận diện đúng, cụ thể vấn đề sẽ gặp trong quý 1, quý 2-2023 để xác định giải pháp đúng.
Với những dự báo đã được các chuyên gia đưa ra, điều cần thiết làm đầu tiên trong năm 2023 là cần các giải pháp mạnh để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên cần xác định rõ vốn đầu tư công cần tập trung để đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện công trình, dự án cơ sở hạ tầng, giao thông.
Thứ hai, cần quyết liệt, giữ vững dòng vốn vào bất động sản theo hướng chỉ giải ngân tập trung cho các dự án thấy rõ sẽ tạo ra sản phẩm hay đang hoàn thiện, chứ không để doanh nghiệp "ôm" đất, tạo dự án chung chung hay dùng vốn để xoay vòng, trả nợ.
Thứ ba, cần tiếp tục bảo đảm nguồn vốn ưu đãi, kịp thời hay giãn nợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cần phải có thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để đi được sớm nhất vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông: Thúc đẩy các động lực kinh tế mới
Trong năm 2022, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, đặc biệt là giao thông.
Năm 2023 Chính phủ nên ưu tiên lập các tổ công tác liên bộ rà soát các quy định và nhanh chóng có cơ chế phối hợp với Quốc hội, theo cách tiếp cận "một luật sửa nhiều luật" theo quy trình rút gọn để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Năm 2023 nên chọn ưu tiên trước cho đầu tư công, công trình hạ tầng; thủ tục liên quan đất đai và xây dựng của doanh nghiệp.
Trên nền tảng đó của năm 2023, quay lại ưu tiên và đi sâu vào cải cách các thể chế cho kinh tế thị trường vẫn tiếp tục là công việc trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển dài hạn.
Năm 2023, tầm nhìn và ưu tiên của Chính phủ cũng cần chú trọng đến xu thế thế giới, đặt Việt Nam trong bức tranh lớn của cạnh tranh địa chính trị và phát triển kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiểu rõ xu hướng và các động thái của cạnh tranh phương Tây - Trung Quốc ở khu vực và tính toán cho việc tối ưu hóa lợi ích an ninh, lợi ích kinh tế của Việt Nam.
Các vấn đề về hợp tác an ninh; các vấn đề thể chế, quy định, tiêu chuẩn cho những động lực kinh tế mới (công nghệ số; công nghệ xanh) - đều là những vấn đề mang tính đa phương, đòi hỏi hành động ở cấp khu vực. Lợi ích quốc gia của Việt Nam do đó gắn liền với hành động trong khuôn khổ đa phương ở khu vực.
Điều này đòi hỏi Chính phủ cần mở rộng tầm nhìn ra quốc tế nhiều hơn; điều phối tốt hơn sự hợp tác giữa các ngành và ngành ngoại giao - để thống nhất cách hiểu về lợi ích quốc gia và chiến lược hành động trên trường quốc tế.
Nhận thức rõ những điểm yếu về năng lực khi tham gia làm việc trong các khuôn khổ quốc tế đa phương, có tâm thế cầu thị, học hỏi để nhanh chóng "bù lấp" điểm yếu, sẽ giúp Việt Nam có vị thế tốt để dần đảm nhiệm và khẳng định vai trò lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á; cũng là giúp tối ưu hóa lợi ích quốc gia trong một thế giới phức tạp và biến động nhanh.
GS.TS Hoàng Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XV: Sẽ trụ vững, tăng trưởng tích cực
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ trụ vững, tăng trưởng dù rằng thế giới sẽ có biến động.
Đặc điểm của Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khu vực dịch vụ. Sản phẩm lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, không phải tư liệu sản xuất nên khi suy thoái vẫn tiêu thụ được, dù có giảm đi.
Bên cạnh tăng trưởng, vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm rất nhiều vấn đề từ kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong kế hoạch năm 2023, cả Quốc hội, Chính phủ cũng đều nhất quán quan điểm điều hành phải ưu tiên các vấn đề này.
Năm 2022, bất chấp nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đối mặt với lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam vẫn kiểm soát được đà tăng chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%. Mục tiêu trong năm 2023 là 4,5%. Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam và cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực năm tới, dù thế giới khó khăn.
Ông Andrew Jeffries - giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam: Tăng cường các chính sách an sinh xã hội
Trong báo cáo công bố vào tháng 9-2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ ở mức 6,7% và lạm phát ở mức 4%. Số liệu này sẽ được cập nhật và điều chỉnh khi ADB công bố báo cáo tiếp theo vào tháng 4-2023.
Sau thời gian dài theo đuổi chính sách "Zero COVID" trong phòng chống đại dịch, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, được kỳ vọng sẽ dần mở cửa trở lại, chuỗi cung ứng toàn cầu do vậy sẽ dần phục hồi.
Là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khơi thông dòng thương mại, đầu tư và du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố rủi ro từ bên ngoài trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài và bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu đang ngày càng gia tăng.
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2023 do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm.
Ở trong nước, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Việt Nam cần củng cố lại thị trường tài chính, đặc biệt cần khơi thông dòng vốn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Những vấn đề của thị trường trái phiếu nếu không có biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ và kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính.
Việt Nam cần sớm có kế hoạch tăng cường các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động mất việc làm do sản xuất suy giảm, đồng thời tăng cường sức chống chịu của lực lượng lao động ở khu vực chính thức và không chính thức trước những cú sốc từ bên ngoài có thể xảy ra trong tương lai.
GS David Dapice - chuyên gia kinh tế cao cấp của Trường quản lý nhà nước John F. Kennedy, ĐH Harvard: Cần đầu tư đúng nơi cần thiết
Kinh tế toàn cầu đang đối diện với số lượng những bất ổn nhiều hơn thường lệ, điều này khiến dự báo tăng trưởng kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam trở nên khó khăn hơn thường lệ.
Việt Nam chú trọng xuất khẩu, vì vậy nếu xuất khẩu tăng trưởng chậm, chững lại, hay thậm chí giảm sút, sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.
Đã có dự báo về khả năng nghỉ việc quy mô lớn tại các nhà máy, và có vẻ chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu sẽ giảm vai trò là động lực tăng trưởng trong năm 2023.
Trong khi sự phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu trong ba quý đầu năm sẽ thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 lên khoảng 7,5%, hầu hết các dự báo đều cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ thấp hơn vào năm 2023.
Tùy thuộc vào tình hình của phần còn lại của thế giới, dự báo tăng trưởng sẽ khoảng 5% tới 7% cho năm sau. Việc đầu tư gia tăng vào Việt Nam, xuất phát từ cả chi tiêu công lẫn việc các công ty FDI rời khỏi Trung Quốc, sẽ giúp giảm những tác động xấu nhất.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển xuất khẩu sang Việt Nam là một xu hướng lâu dài. Hiện nay lạm phát, kể cả khi thực tế cao hơn một chút so với dữ liệu chính thức, đang được kiểm soát, và tình hình nợ vẫn trong tình trạng có thể quản lý. Nếu đầu tư chính phủ hiệu quả và rót đúng vào nơi cần thiết, khả năng tiếp tục tăng trưởng sẽ hoàn toàn khả thi.
GS Julien Chaisse - chuyên gia về thương mại và kinh tế khu vực Trường luật, ĐH Hong Kong: Đặc biệt chú ý quản lý giá nhiên liệu
Theo tôi, một số rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam gồm đại dịch đang diễn ra, tác động của cuộc chiến Ukraine, sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn dự kiến, áp lực lạm phát và lãi suất gia tăng, khả năng thắt chặt chính sách tài khóa trên các thị trường lớn, sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ.
Áp lực lạm phát sẽ còn rất lớn từ nay đến cuối năm, thậm chí đầu năm sau. Vì vậy điều cần thiết là theo đuổi các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, đặc biệt chú ý đến việc quản lý giá nhiên liệu.
Trước những thách thức này, tôi cho rằng Việt Nam vẫn cần cải thiện một số điểm chính vào năm 2023: tăng cường kết quả từ đầu tư cho giáo dục và y tế, tạo điều kiện di chuyển công nhân ra khỏi các ngành đang suy giảm, tăng cường an sinh xã hội (đặc biệt đối với lao động phi chính thức), tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết nút thắt hạ tầng, đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó phải tiếp tục theo dõi và hỗ trợ phù hợp cho những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và tái cấu trúc nền kinh tế.
Quốc hội yêu cầu
* Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
* Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh
* Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương
* Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
* Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
* Thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế
* Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số
* Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao
Nguồn: Nghị quyết số 68 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023