Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề: Đại học Kinh tế Quốc Dân đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển, hôm 26/10.
Đánh giá về các thành quả kinh tế đạt được giai đoạn 2011 – 2020, các chuyên gia của ĐH Kinh tế Quốc Dân nhận định: "thấp không phải chỉ so với mục tiêu mà còn so với thành quả của các quốc gia khác đạt được ở giai đoạn phát triển như Việt Nam".
Theo đó, kết quả tăng trưởng đạt được thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam đạt được. Cụ thể, xét giai đoạn 1991 – 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam là 7,14% thì so với Hàn Quốc trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, xấp xỉ 4 thập niên từ 1961 – 2000 là 8%. Còn Nhật Bản giai đoạn 1955 – 1973 là 9,4%.
Hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam cũng thấp. Ví dụ Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng nhanh (1995 – 1973), suất đầu tư tăng trưởng chỉ là 3, tốc độ tăng năng suất lao động là 7,5% thì Việt Nam giai đoạn 2011 – 2018 lần lượt là 5,4 và 5,1%.
Bên cạnh đó, cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam cũng thể hiện tính lạc hậu công nghệ. Cụ thể, đóng góp của nhân tố TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) chỉ chiếm 26,1%, trong khi đó, các nước đang phát triển đạt mức trung bình xấp xỉ 40%.
Theo báo cáo, nếu đánh giá theo tiêu chí xếp loại trình độ phát triển quốc tế của World Bank, Việt Nam ở thời điểm hiện tại đạt trình độ phát triển giai đoạn đầu của nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Số liệu cho thấy thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP, giá 2011, là 6.222,3 USD, cận dưới của các nước thu nhập trung bình thấp là 6.000 – 7.000 USD. Cơ cấu ngành theo GDP còn lạc hậu hơn với các mức chung của nhóm nước này, tỷ trọng GDP nông nghiệp là 16,19%, quá cao so với mức 14,9%; tỷ trọng GDP dịch vụ là 45,73% lại quá thấp so với mức 49%.
Các tiêu chí khác như tỷ lệ lao động nông nghiệp, năng suất lao động hay tỷ lệ tích luỹ nội địa cũng đều đạt được ở mức thấp, chỉ tiệm cận được với mức của nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.