Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn rất quan trọng để phục hồi, mở cửa chậm cái giá phải trả rất lớn

03/10/2021 08:31
Mở cửa là không thể nào khác được. Mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn. Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để mở cửa lại nền kinh tế, nhưng quan trọng là phải có quyết tâm...

Ngày 01/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022".

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Phó chủ tịch VCCI cùng 02 diễn giả TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính Công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam.

Tại hội thảo, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được dẫn lại: Trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm của cả nước, đã chịu tác động nặng nề; hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, cơ hội mở cửa lại nền kinh tế và phục hồi đang mở ra. Đặc biệt tại khu vực phía Nam và ĐBSCL, dịch bệnh đang dần được khống chế, tiến tới mở cửa lại kinh tế để doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Các ý kiến tại hội thảo đều chung nhận định: Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế.

THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ MỞ CỬA LẠI

Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn rất quan trọng để phục hồi, mở cửa chậm cái giá phải trả rất lớn - Ảnh 1.

Ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch VCCI

Phát biểu khai mạc hội thảo ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Đáng chú ý là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng năm nay, có 90,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng ĐBSCL, số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện "3 tại chỗ" cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện "3 tại chỗ", nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…).

Sự đóng góp của ĐBSCL trong việc duy trì sự tăng trưởng của cả nước là vô cùng lớn.

Ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch VCCI

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù GDP quý 3/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác đều giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL trong việc duy trì sự tăng trưởng của cả nước là vô cùng lớn.

Sau một thời gian dài chống dịch, hiện nay nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL dần kiểm soát được dịch bệnh và từng bước nới lỏng mức độ giãn cách, thiết lập "vùng xanh" thực hiện trạng thái bình thường mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này tăng cao. Triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Hướng tới mục tiêu "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế".

Bây giờ là thời điểm thích hợp để mở cửa lại nền kinh tế cũng là thời điểm doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài "ngủ đông", với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi...

Trong bối cảnh "bình thường mới", tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.

Chính vì thế, hội thảo này sẽ là một khởi đầu quan trọng cho việc cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về những diễn biến mới nhất nền kinh tế, dự báo quý 4/2021 và triển vọng năm 2022, những chủ trương và động thái hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đúc kết những cơ hội và thách thức của bối cảnh mới nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đưa ra những lời khuyên cần thiết để các doanh nghiệp chuẩn bị bước vào giai đoạn tái sản xuất.

NGUY CƠ LỠ NHỊP TIẾN TRÌNH PHỤC HỒI

Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn rất quan trọng để phục hồi, mở cửa chậm cái giá phải trả rất lớn - Ảnh 3.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, trong khi nền kinh tế thế giới nâng dự báo tăng trưởng 5,6% - mức phục hồi lớn nhất trong vòng 8 tháng qua và xu hướng này vẫn đang tiếp tục, thì Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp phải đứng ngoài tiến trình nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay các ngành kinh tế lớn trên thế giới, các thị trường xuất nhập khẩu, đầu tư chiến lược của Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế và đang trong quá trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng đang mở cửa nền kinh tế và có điều kiện tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mở cửa là con đường không thể nào khác được, mà mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam

Mấy tháng qua đã có 20 - 30% các đơn hàng lớn chuyển đi các nước khác và các doanh nghiệp FDI thì không chờ đợi. Việc mở rộng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã dừng lại không tiếp tục triển khai, còn nhà đầu tư đang do dự.

Mặc dù trong 9 tháng qua, ngoài sự tăng trưởng của nông nghiệp thì đầu tư nước ngoài cũng tăng 4,4% nhưng so với tiềm năng vẫn còn thấp, nếu tình hình cứ tiếp tục diễn biến như thế này chắc chắn đầu tư nước ngoài cũng sẽ đảo chiều.

Trong nước, doanh nghiệp đang kiệt sức còn người dân thì mất dần sinh kế, chi phí tăng lên trong khi ngân sách các địa phương ngày càng eo hẹp. Giải cứu nền kinh tế đối với doanh nghiệp là một yêu cầu cấp bách.

Trong hai tuần qua dịch bệnh bước đầu đã được kiểm soát tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và các tỉnh thành khác, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội ngàn vàng để nới lõng giãn cách, mở cửa thị trường và tái khởi động lại nền kinh tế.

Trong quý 4 sẽ là thời gian vàng, cũng là thách thức sinh tử đối với nền kinh tế Việt Nam, nếu không đảo chiều được thì có nghĩa là nền kinh tế sẽ tiếp tục âm sâu và không biết bao giờ mới khôi phục lại được.

Mở cửa là con đường không thể nào khác được, mà mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn và rất may là Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh đang bắt đầu được kiểm soát tốt nhưng quan trọng là có phải quyết tâm.

Theo đó, TS. Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, đối với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động phục hồi, cần triển khai theo năm mũi giáp công.

Thứ nhất, phải mở cửa thị trường. Việt Nam đang có cú sốc về tăng trưởng như hiện nay thì mở cửa thị trường sẽ là cỗ máy "trợ thở" lớn nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ hai, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính tăng cường phân quyền, phân cấp, giảm chi phí, tăng cường sự tiên liệu của chính sách là điều rất quan trọng để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, phải thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ về an sinh.

Thứ tư, cần triển khai các chương trình hỗ trợ giúp nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng kiến thức về các tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường khả năng thích ứng khả năng chống chịu.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thúc đẩy thực hiện các hiệp định thương mại tự do và triển khai các chương trình hỗ trợ thương mại đầu tư kết nối các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.

"Chúng ta tin tưởng rằng suy giảm GDP trong quý 3 chỉ là nhất thời, tăng trưởng GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường và cách hoạt động nền kinh tế sẽ được thực hiện từ ngày hôm nay một cách mạnh mẽ", ông Lộc nhận định.

KHÔNG THỂ QUAY LẠI MỞ RỒI ĐÓNG, ĐÓNG RỒI MỚI

Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn rất quan trọng để phục hồi, mở cửa chậm cái giá phải trả rất lớn - Ảnh 5.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển đơn hàng sản xuất cho dịp lễ tết cuối năm từ Việt Nam sang các nền kinh tế khác nếu Việt Nam không thích ứng và mở cửa bền vững. Các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

Để có tăng trưởng trong quý 4 phải bắt đầu từ hôm nay và Việt Nam không thể quay lại giãn cách hay mở rồi đóng, đóng rồi mở; nếu như vậy sẽ đổ vỡ kinh tế trong năm 2022.

Tại thời điểm này ĐBSCL có một thách thức đó là vấn đề vaccine chưa phủ nhiều.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành

Bên cạnh đó, để phục hồi mạnh trong năm 2022, các chính sách tiền tệ tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào. Chính sách tài khóa kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao (6% GDP) tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025). Cùng đó, tiêm đủ vaccine và mở cửa bình thường mới sau Tết nguyên đán.

Theo ông Thành, với tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng thấp và hệ thống y tế không quá tải sau khi tiêm đủ vaccine thì có thể mở cửa bền vững. Chính sách tiền tệ cần đảm bảo đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; không tăng lãi suất trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. Dự toán ngân sách 2022 với tỷ lệ bội chi cao hơn để thực hiện các gói chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tại thời điểm này ĐBSCL có một thách thức đó là vấn đề vaccine chưa phủ nhiều.

"Kinh tế Việt Nam với ngành nông nghiệp làm chủ đạo và thực tế cho thấy trong những lúc khó khăn thì nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh làm cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã chịu tổn thất lớn, vì vậy, nếu mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10 thì tăng trưởng cả năm 2021 sẽ đạt 2,1% ", ông Nguyễn Xuân Thành dự báo.

"THÍCH ỨNG AN TOÀN VÀ LINH HOẠT", NHƯNG CÒN NẶNG VỀ AN TOÀN HƠN LÀ LINH HOẠT...

Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn rất quan trọng để phục hồi, mở cửa chậm cái giá phải trả rất lớn - Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu quan điểm: Khi nền kinh tế cả nước suy giảm thì ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương, đây là điều khích lệ đối với ngành nông nghiệp.

"Trong thời gian qua chúng ta bị hụt hơi và mất đà, sau khi bình thường mới lại cần phải đi nhanh gấp 2, 3 lần để bù lại và vượt lên bằng với tốc độ tăng trưởng hàng năm. Vậy câu chuyện sẽ như thế nào?", Bộ trưởng Hoan đặt vấn đề.

Theo ông, thực ra thì dịch COVID-19 chỉ làm nghiệt ngã và trầm trọng thêm những vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt, vì nếu không có đại dịch thì câu chuyện nông nghiệp được mùa mất giá vẫn diễn ra từ trước.

Trước nay, mọi người thường nói đến liên kết vùng ĐBSCL nhưng đến nay mối liên kết này vẫn còn lúng túng. Và trước đại dịch nền kinh tế ở đây vẫn chỉ là 13 mảnh ghép rời rạc. Do vậy, ông Hoan nhấn mạnh yêu cầu cần kiến tạo không gian phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL và mở rộng ra cho các vùng miền trong cả nước.

Thực ra thì dịch COVID-19 chỉ làm nghiệt ngã và trầm trọng thêm những vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Theo phân tích của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ĐBSCL vẫn còn tư duy sản lượng, khi nào thoát ra được lối mòn này và tư duy theo không gian kinh tế thì ĐBSCL mới phát triển được; khi đó không còn là những mảnh ghép rời rạc và chuỗi phát triển cuối cùng là giá trị gia tăng của không gian phát triển đó. Nếu muốn tạo ra giá trị cao hơn nữa phải thay đổi tư duy và cách nghĩ.

Như vậy, vấn đề đầu tiên là cần phải tư duy lại không gian phát triển kinh tế ở ĐBSCL và những vùng, miền khác trong cả nước.

Thứ hai là cũng trong không gian phát triển đó có thể thẩm thấu được "tam giác phát triển" và trong đó phải xây dựng "không gian phát triển" phải hài hòa để tạo sự gắn kết thể chế giữa Nhà nước với thị trường (là cộng đồng doanh nghiệp) và xã hội (là người nông dân).

Trong phòng chống dịch COVID-19, vai trò giữa Nhà nước, xã hội đã được kích hoạt. Sau dịch bệnh làm sao giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân phải hòa hợp tạo lập ra những ý tưởng và không gian cho từng địa phương, cho từng nhà máy để phục hồi sản xuất.

Đây là ý tưởng hay và Chính phủ đang dần tiếp thu những kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng thông qua các cuộc gặp giữa Thủ tướng và các hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước. Nếu mở rộng tinh thần này nó sẽ thẩm thấu và phát triển rất nhiều lần.

"Nếu chỉ có bên tuân thủ và bên kiểm soát thì khác, còn hai bên cùng ngồi lại sẽ có một không gian phát triển kinh tế bền vững. Với không gian phát triển này liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất có thể bền chặt hơn chứ không phải chỉ qua từng mùa vụ. Sự thấp thỏm này sẽ kéo theo câu chuyện về lòng tin giữa hai bên. Do vậy, tam giác phát triển phải là động lực mà sau đại dịch cần phải đẩy mạnh hơn", ông Hoan khẳng định.

Bên cạnh khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp thì vẫn có nhiều doanh nghiệp khác đang xây dựng kế hoạch, chiến lược mở rộng chuỗi ngành hàng trong những năm tới. Như vậy, tiềm năng dư địa phát triển của các doanh nghiệp - những người dẫn dắt chuyển đổi nông nghiệp vẫn còn rất lớn, vấn đề là hành xử của các lãnh đạo của các địa phương.

Thông điệp Thủ tướng đưa ra là "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh" nhưng đôi khi địa phương lại nặng về an toàn hơn. Để áp dụng từ "linh hoạt" thì bây giờ các địa phương cùng ngồi lại xây dựng và khôi phục không gian kinh tế cả vùng, khôi phục một chuỗi ngành hàng…

Trong Nghị quyết có gắn nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp với du lịch dịch vụ… dần tiến tới xây dựng không gian liên kết cụm công nông nghiệp phát triển và trong đó nó được gắn kết chặt chẽ giữa nông, công nghiệp với nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn... Để hiện thức hóa vấn đề này cần sự vào cuộc của các tập đoàn lớn có tiềm năng có tâm huyết và nhìn ra được giá trị của mối liên kết.

"Không gian phát triển và các tích hợp đa giá trị phải chăng là cái để chúng ta thay đổi và vượt lên cái cũ, để vừa phục hồi vừa có mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao giá trị hơn", ông Hoan nói.

"Trong ngắn hạn chúng ta đang "nín thở" chờ qua đại dịch và đang trông chờ ngày phủ đầy đủ vaccine để trở lại cuộc sống "bình thường mới", tôi muốn gửi đến hội nghị một câu tôi đã đọc: Trong tương lai sau đại dịch COVID-19, khi mọi người tranh luận xem ngành nghề nào là thiết yếu và không thiết yếu, thì có một điều không cần phải bàn cải đó là nông nghiệp. Bởi lẽ nông nghiệp là đáp ứng đầy đủ chuẩn mực của một ngành thiết yếu, vì không có thức ăn chúng ta sẽ không có gì cả", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
6 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
23 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
10 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
24 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
32 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Cao su

RUBBER

41.207.572 VNĐ / tấn

188.30 JPY / kg

0.84 %

- 1.60

Đường

SUGAR

11.980.496 VNĐ / tấn

21.38 UScents / lb

0.00 %

- 0.00

Cacao

COCOA

227.334.120 VNĐ / tấn

8,944.00 USD / mt

3.58 %

+ 309.00

Cà phê Arabica

COFFEE ARABICA

169.514.490 VNĐ / tấn

302.51 UScents / lb

2.56 %

+ 7.54

Gạo

RICE

17.452 VNĐ / tấn

15.09 USD / CWT

0.53 %

- 0.08

Đậu nành

SOYBEANS

9.175.892 VNĐ / tấn

982.50 UScents / bu

0.49 %

+ 4.75

Bột đậu nành

SOYBEAN MEAL

8.140.630 VNĐ / tấn

290.55 USD / ust

0.40 %

+ 1.15

» Xem tất cả giá Nông sản

Tin cùng chuyên mục

[Trên Ghế 43] Ông chủ Phê Phượt bày cách phượt bằng ô tô: Đi gì, ăn gì, ở đâu, mấy ngày và làm gì?
17 giờ trước
Xuyên Việt hàng chục lần, anh Đoàn Kiều Dũng có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai đang có ý định phượt bằng ô tô.
Cãi vợ nuôi đặc sản "dân nhậu thích mê", anh nông dân kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm
17 giờ trước
Từng cãi vợ, bỏ nghề tài xế để chuyển sang mô hình nuôi loài động vật quen thuộc dân nhậu thích mê, nông dân Bùi Công Mạnh mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.
Bộ trưởng Công Thương: Không để găm hàng, tăng giá dịp Tết
19 giờ trước
Trước biến động giá cả có thể xảy ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, đơn vị trực thuộc bộ và các doanh nghiệp, tập đoàn có biện pháp ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Giá cà phê tăng vọt
20 giờ trước
Trong phiên giao dịch hôm 20/11, giá hai mặt hàng cà phê Arabica leo đỉnh cao nhất kể từ năm 2011 và Robusta trở lại mức cao nhất trong hơn một tháng.