Kinh tế Việt Nam năm 2022 đương đầu với thách thức nào lớn nhất?

02/01/2022 09:39
Lạm phát nhập khẩu từ nước ngoài vào là một trong những rủi ro mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đương đầu trong năm 2022, theo nhận định của chuyên gia.

Theo Tổng cục Thống kê mới công bố, GDP của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng được 2,58%, sau những nặng nề từ đại dịch COVID-19. Trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021, nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước dự báo tăng trưởng năm 2022 có thể vượt mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra.

Mới đây, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - ông Jacques Morisset, về những thách thức mà kinh tế Việt Nam dự kiến đối mặt trong năm 2022.

Hai rủi ro chính và những cơ hội

Theo ông đâu là những trở ngại khiến cho Việt Nam có thể không đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022? Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều bất trắc và đã có những lo ngại về vấn đề lạm phát. Đâu là những rủi ro cho bức tranh kinh tế năm 2022?

Theo tôi rủi ro lớn nhất chính là rủi ro mà bạn đã nêu, đó là rủi ro về tình hình dịch bệnh. Không ai có thể dự báo trước được GDP sẽ giảm sâu trong quý 3 vừa qua, bởi vậy tôi cũng không thể biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra với Việt Nam cũng như với thế giới.

Gần đây chúng ta cũng bắt đầu nói về biến thể Omicron, chưa thể biết được biến thể này sẽ gây ra những tác động như thế nào và biết đâu có thể sẽ có những làn sóng dịch bệnh lớn hơn trong những năm tới đây. Theo tôi đó là rủi ro lớn nhất.

Bên cạnh đó, cho dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì không thể phủ nhận sẽ tồn tại những rủi ro về kinh tế.

Là một nền kinh tế mở cửa, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Có thể thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, và sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam bởi vì xuất khẩu sẽ sụt giảm. Đó là một trong những rủi ro, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc.

Một rủi ro nữa là vấn đề lạm phát, nhưng hầu hết là lạm phát nhập khẩu. Ví dụ hàng hóa như giá dầu tăng cao và ảnh hưởng đối với lưu chuyển hàng hóa và có thể thấy tất cả những điều đó được phản ánh qua tỉ lệ lạm phát của Việt Nam là sự kết hợp của hai yếu tố: giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng cao, trong khi giá hàng hóa trong nước vẫn không tăng lên do cầu vẫn thấp hơn cung. Đây là vấn đề tất nhiên, khi cung cao hơn cầu thì giá sẽ không tăng.

Nhưng hãy giả định trong trường hợp cầu sẽ tăng lên, vì chúng ta muốn có tăng trưởng, thì tới một lúc nào đó nó cũng sẽ gây ra lạm phát hàng hóa trong nước, nhưng ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên còn phải chờ xem, cũng có thể sẽ có sự cộng hưởng giữa việc tăng giá các hàng hóa quan trọng và việc tăng giá hàng hóa trong nước từ đó dẫn tới lạm phát tăng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với hai năm qua. Đó là rủi ro thứ hai về kinh tế.

Một yếu tố đã từng xuất hiện từ trước đại dịch COVID chính là nhu cầu trong nước, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn, khi Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, tất cả những điều đó sẽ đẩy mạnh nhu cầu trong nước...

Ông Jacques Morisset

Ông đã vừa chia sẻ về những rủi ro nhưng các rủi ro thường cũng đi đôi với cơ hội. Vậy theo ông đâu sẽ là những cơ hội cho năm 2022?

Theo tôi, vẫn còn đó những cơ hội mà Việt Nam vốn có từ trước tới nay và Việt Nam vốn rất giỏi trong việc nắm bắt các cơ hội. Cơ hội đầu tiên là trong lĩnh vực xuất khẩu, xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trên thế giới, vào vốn FDI vì 80% doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đều là doanh nghiệp có vốn FDI.

Chúng ta có thể thấy sức hút lớn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư FDI, có thể kết hợp từ nhiều nguyên do: trước hết Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có sức hút lớn, lao động có chi phí thấp và làm việc chăm chỉ, hiệu quả, Việt Nam cũng có các cơ chế ưu đãi thuế, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Đại dịch COVID cho thấy chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa, do đó nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển tới Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu cho nhiều quốc gia khác.

Bởi vậy có thể nói Việt Nam đang tận dụng tốt xu hướng đa dạng hóa này. Đó là cơ hội thứ nhất, tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh, kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Chẳng cần đi đâu xa, ngay ở Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm đáng báo động, hay đồng bằng sông Mekong cũng chịu tác động từ việc mực nước biển dâng cao. Do đó có thể nói Việt Nam là một trong những nạn nhân của biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam cũng có thể tận dụng chính cơ hội này. Chẳng hạn như năm 2020 chính phủ Việt Nam đã triển khai trợ giá cho năng lượng mặt trời và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời, và khu vực tư nhân Việt Nam cũng phản hồi rất tích cực.

Ví dụ như tổng mức đầu tư của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 vào điện mặt trời cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia ASEAN hay toàn bộ châu Phi. Đó là một ví dụ cho thấy Việt Nam có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch bởi Việt Nam có thể nhân rộng kịch bản đã thực hiện với năng lượng mặt trời cho năng lượng gió, pin và các sản phẩm xanh khác. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Có thể nói đây là một thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ mới đây mà trong vòng hai năm qua không thể phủ nhận sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam.

Như ông đã chia sẻ, FDI và lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục là những động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Ngoài ra còn có những lĩnh vực nào cũng sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển của kinh tế Việt Nam không thưa ông?

Như tôi đã nói, trong ngắn hạn các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng sẽ vẫn là xuất khẩu và chuyển đổi sang kinh tế xanh.

Trong trung hạn, một yếu tố đã từng xuất hiện từ trước đại dịch COVID chính là nhu cầu trong nước, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn, khi Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, tất cả những điều đó sẽ đẩy mạnh nhu cầu trong nước. Nếu nhìn lại yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn trước đại dịch chính là sức mua của tầng lớp trung lưu kết hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp lớn trong nước để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng này.

Tôi tin rằng đây sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế, đó là sự chuyển dịch từ nhu cầu nước ngoài sang nhu cầu trong nước và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục kích thích sự tăng trưởng về cả cung và cầu ở Việt Nam. Tôi tin rằng đó sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng.

Cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ

Trong một cuộc trao đổi mới đây, ông đã chia sẻ về việc cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn làm thế nào để cân bằng giữa hai chính sách này?

Rõ ràng chúng ta đang ở trong đại dịch COVID, chúng ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng, do đó chúng ta cần hỗ trợ người dân và cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Đối với Chính phủ, để ổn định kinh tế, có hai công cụ hỗ trợ đắc lực trong ngắn hạn là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Như đa phần các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ, cụ thể Việt Nam đã sử dụng các công cụ chính sách để khuyến khích hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp sẽ phá sản, đó là kịch bản xấu nhất; hay một kịch bản khác là các doanh nghiệp không thể trả tiền vay ngân hàng, như vậy vấn đề chỉ chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. Đó là một rủi ro lớn và bắt đầu có những lo ngại...Ông Jacques Morisset

Việt Nam đã và đang triển khai chính sách này trong vòng 2 năm qua và theo tôi đây là hướng đi đúng đắn, cũng giống như nhiều quốc gia khác, vì chính sách này hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID. Tất nhiên chính sách hỗ trợ này chưa đồng đều vì nó chỉ nhắm tới các hoạt động kinh doanh có liên quan tới ngân hàng mà như chúng ta đã biết ở Việt Nam có ít nhất 50% các hoạt động kinh doanh ngoài ngân hàng. Bởi vậy có thể nói đây là sự hỗ trợ cho dù phần thiên vị và hỗ trợ một phần cho nền kinh tế nhưng sự hỗ trợ này rất quan trọng.

Tuy nhiên chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp sẽ phá sản, đó là kịch bản xấu nhất; hay một kịch bản khác là các doanh nghiệp không thể trả tiền vay ngân hàng, như vậy vấn đề chỉ chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. Đó là một rủi ro lớn và bắt đầu có những lo ngại rằng những rủi ro này ngày càng lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đã triển khai chính sách tiền tệ này được hai năm.

Bởi vậy chúng tôi cho rằng Việt Nam cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai trong vòng hai năm qua, không có nghĩa rằng nên ngừng chính sách tiền tệ mà cần thận trọng hơn, có thể là minh bạch hơn về tình hình hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp hoặc của những người vay vốn trong hệ thống tài chính. Đó là rủi ro đầu tiên.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy vấn đề về lạm phát có thể quay trở lại, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia khác, bởi vậy Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng hơn so với thời gian đầu năm 2020.

Mặt khác hãy nói về chính sách tài khóa, chính sách tài khóa là việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng. Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động này, trong năm 2020 Việt Nam đã bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân nhưng việc thực hiện còn khá rụt rè trong năm 2020 và rụt rè hơn nữa trong năm 2021.

Theo như Bộ Tài chính chia sẻ với chúng tôi, ngân sách dự kiến chi 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đó là con số trên giấy tờ, tiến độ thực hiện thực tế đạt 60% và trên thực tế Bộ Tài chính cũng chia sẻ rằng mới chỉ giải ngân được 2,8%. Như vậy có thể thấy tỉ lệ thực hiện giảm từ 4% xuống còn 2,8%, và trong 2,8% này có tới 1,6% dành cho việc gia hạn thời gian nộp thuế, cụ thể cho phép doanh nghiệp nộp thuế chậm 3 – 6 tháng. Tất nhiên đó là một khoản hỗ trợ nhưng không phải một khoản hỗ trợ lớn.

Điều tôi muốn nói ở đây là Chính phủ có thực hiện hỗ trợ nhưng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, nhất là so với nhiều quốc gia khác, hay ngay cả các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Hồng Kong,...

Bên cạnh đó, như tôi đã chia sẻ ở trên, Chính phủ vẫn còn tiền và chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả nếu Chính phủ có tiền để triển khai và Việt Nam vẫn còn tiền để triển khai chính sách này. Tuy nhiên đề xuất của tôi là Chính phủ cũng không nên sử dụng công cụ này mãi mà hãy chỉ sử dụng nó khi cần để kích thích tăng trưởng kinh tế và sử dụng nó để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước thời kỳ đại dịch.

Cám ơn về những chia sẻ của ông.

Tin mới

Nếu về Việt Nam, đây có thể là "kẻ soán ngôi" Honda Vision: Thiết kế siêu xịn, trang bị vượt trội
13 giờ trước
Không chỉ có thiết kế cực đẹp mẫu xe ga này còn sở hữu nhiều trang bị vượt trội so với Honda Vision.
Ứng dụng giúp việc nhà "hốt" bạc
13 giờ trước
Dịch vụ gọi giúp việc nhà qua ứng dụng (app) ngày càng được ưa chuộng khi người dùng bận rộn và chịu nhiều áp lực với công việc hơn.
Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
14 giờ trước
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Bật tăng đồng loạt phiên đầu tuần
15 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Thị trường dầu thô thế giới mở phiên đầu tuần mới tăng giá đồng loạt với mức tăng từ 0,2% theo ngày.
Giá vé máy bay Tết cao ngất, nhiều gia đình thuê xe tự lái về quê
15 giờ trước
Do giá vé máy bay Tết cao ngất ngưởng, nhiều gia đình lựa chọn phương án thuê xe tự lái để về quê, chủ động đi lại và tiết giảm chi phí.

Tin cùng chuyên mục

App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
1 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
2 ngày trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
2 ngày trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.