Đó là băn khoăn được TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu tại hội thảo kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra tại Tp.HCM sáng 20/3.
Đây là hội thảo thường niên do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức lần thứ 10 liên tục, với sự tham gia của quan chức nhiều bộ ngành, các chuyên gia kinh tế - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - và các doanh nhân.
Một cụm từ cho 2017
Điều hành phiên thảo luận về những chính sách kinh tế đột phá, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) hỏi các vị diễn giả nếu chỉ dùng 1 cụm từ để nói về kinh tế Việt Nam 2017 thì các vị dùng từ nào.
Năm 2017 sang 2018, nói về kinh tế Việt Nam, tôi xin nói từ "hy vọng chuyển hướng", vì khi nghiên cứu kinh tế Việt Nam từ 2001 đến 2015 thì kinh tế 5 năm sau tăng trưởng kém hơn năm trước, còn từ 2017 mới có hy vọng đi lên dần, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.
"Chính phủ đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư", TS. Vũ Viết Ngoạn nêu lựa chọn của mình.
Năm 2017 lòng tin của nhà đầu tư trong nước rất tích cực và tiếp tục được củng cố trong năm 2018, ông Ngoạn nói rõ hơn.
Bứt phá là cụm từ được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lựa chọn.
Ông Hải nói: 2017 là năm bứt phá vì cả Chính phủ và doanh nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ có quyết tâm hành động có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, năm 2017 là năm có thành tích ngoạn mục, nhất là trong xuất nhập khẩu.
Niềm tin, động lực, hy vọng và chuyển hướng, cơ hội và bứt phá là những cụm từ được ông Lộc nhắc lại sau nhận định của các vi diễn giả. Niềm tin, cơ hội lớn hơn, vậy làm sao để tận dụng được trong năm 2018, ông Lộc đặt vấn đề cho phần trao đổi tiếp theo.
Nhiều cơ hội tốt cho 2018
Xuất hiện đều đặn tại Hội thảo kinh tế Việt Nam hàng năm, TS Trần Du Lịch so sánh: trước đây hội thảo tập trung theo hướng làm sao cho nền kinh tế Việt Nam ít xấu nhất, hiện nay là theo hướng làm sao cho tốt nhất.
Theo TS. Vũ Viết Ngoạn thì về cơ hội, năm 2018, kinh tế thế giới chuyển động tích cực hơn năm 2017. Nhật Bản sau 2 thập kỷ trì trệ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong 2 năm qua. Còn Trung Quốc, trước kia nhiều nhà kinh tế đã lo ngại về "quả bóng nợ" của nước này, nhưng giờ đây không còn lo lắng đó khi GDP của Trung Quốc năm 2017 đã tăng trên 6,5%.
Với Việt Nam, ông Ngoạn cho rằng vẫn có nhiều cơ hội tốt, cán cân vãng lai có khả năng thặng dư, sức ép với thị trường không quá lớn. Đây là năm có nhiều tín hiệu tích cực hơn năm 2017, ông Ngoạn nhấn mạnh.
Dự báo cụ thể hơn từ vị chuyên gia này là lạm phát năm 2018 có thể tăng hơn năm 2017 nhưng vẫn ở trong phạm vi kiểm soát tốt. Vì giá cả thế giới sẽ tăng cao hơn năm 2017, nhưng vẫn trong phạm vi tăng thấp. Nguyên nhân giá dầu lửa sẽ quanh mức 60 USD, thấp hơn mức trước đó là 65 USD. Tiếp đến là yếu tố công nghệ sẽ tác động đến sự giảm giá, điều này cũng giúp việc giá dầu đá phiến đang thấp. Mỹ đã tuyên bố không còn tích lũy dầu lửa như trước và trở thành nước xuất khẩu dầu.
Động lực tăng trưởng vẫn là những nền kinh tế mới nổi. Tác động tới giá cả trước đây từ Trung Quốc nay giảm. Tiếp đó là tiến bộ công nghệ giúp chi phí giá thành sản xuất giảm. Mỹ dự báo lạm phát chỉ 2%, EU với chính sách tiền tệ cắt giảm chậm và dự báo lạm phát 2%. Nhật Bản tiếp tục chính sách nới lỏng.
Giá hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa tại Việt Nam, ông Ngoạn củng cố nhận định về khả năng kiểm soát lạm phát.
Vị Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng cần lo lắng nhiều hơn cho trung hạn, nhất là 2019 nhiều dự báo kinh tế thế giới sẽ xuống đáy và sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo chu kỳ khủng hoảng gần nhất là 2009 , sau 10 năm liệu có vấn đề gì không? Chúng ta phải chuẩn bị chung cho trung hạn, ông Ngoạn nêu quan điểm.
Dù lạc quan về 2018 song sự cẩn trọng vẫn rất cần thiết, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đồng tình.