Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 5 - 11/11 tại TP Đà Nẵng. Sự kiện này được đánh giá là rất quan trọng với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như chứng tỏ vị trí, vai trò trên trường quốc tế.
Đây không phải lần đầu Việt Nam đăng cai sự kiện quốc tế này. Trước đó, vào năm 2006 tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao APEC đã diễn ra với hơn 100 hoạt động và sự tham gia của khoảng 10.000 đại biểu đến từ các nước.
Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam, sau APEC 2006 cũng là thời điểm Việt Nam hoà nhập vào cộng đồng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khiến tăng trưởng GDP năm 2007 đạt con số kỷ lục 8,46%; thu nhập bình quân đầu người có sự cải thiện, ở mức 919 USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các năm 2006 - 2007 đều tăng thấp hơn tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, CPI năm 2007 vẫn cao hơn năm trước do có sự điều chỉnh về giá xăng dầu vào tháng 11. Tới năm 2008, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, đồng USD suy yếu dẫn đến chỉ số lạm phát của Việt Nam tăng kỷ lục. Đến năm 2011, CPI lại tăng vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (17%).
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2007, thu hút FDI có bước tiến vượt bậc với 21,3 tỷ USD, tăng 78% so với năm trước.
Tới năm 2008, thu hút vốn nước ngoài tăng hơn 3 lần so với năm 2017, đây cũng là năm có số vốn FDI đăng ký cao nhất trong lịch sử thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cũng trong năm này, vốn FDI thực hiện tăng 43% so với năm 2007 và gấp 2,8 lần năm 2006.
Trong nhiều năm liền (2006 - 2012), Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Tới năm 2013, cán cân thương mại cân bằng và đặc biệt năm 2014 và năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu với giá trị lần lượt 2,1 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.