3 tháng sau khi mở cửa nền kinh tế, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Vũ Hán không khỏi cho thấy rằng con đường trở lại cuộc sống bình thường của các thành phố sau khi gỡ lệnh phong tỏa chông gai như thế nào.
Tình trạng này vẫn xảy ra mặc dù một số nhà máy duy trì hoạt động suốt trong khoảng thời gian phong tỏa xã hội và hoạt động kinh tế đã bắt đầu trở lại bình thường vào tháng 4/2020. Tiêu dùng người dân thấp trong khi sản xuất tăng trưởng nhanh hơn, nó cho thấy xu thế phân cực của hoạt động kinh tế trên khắp Trung Quốc.
Ngày 8/4/2020, thành phố Vũ Hán chính thức kết thúc khoảng thời gian phong tỏa, đây có thể coi như thời điểm chiến thắng quan trọng của Trung Quốc, nó cũng củng cố thêm niềm tin rằng Trung Quốc đã có thể kiềm chế được đại dịch ở tại nơi mà đại dịch bùng phát.
Nhiều nhà máy và công ty nhanh chóng hoạt động trở lại, người tiêu dùng tuy nhiên vẫn dè dặt trong chi tiêu, nhiều người dân Vũ Hán vẫn vô cùng thận trọng, thói quen nấu ăn ở nhà và mua hàng trực tuyến vẫn được duy trì sau 76 ngày phong tỏa.
Và khi mà người dân bắt đầu ra ngoài nhiều hơn bởi các quy định giãn cách xã hội và đo thân nhiệt trở thành điều bình thường, việc một số ca nhiễm bùng phát trở lại trong tháng 5/2020 lập tức khiến cho thành phố trở lại trạng thái đề phòng. Các biện pháp hạn chế được áp dụng trở lại, chính quyền địa phương tiến hành xét nghiệm toàn bộ 11 triệu người dân chỉ trong vòng 2 tuần. Từ đó đến nay, thành phố chưa hề công bố thêm ca nhiễm mới nào.
Nghiên cứu viên tại ngân hàng China Minsheng ở Bắc Kinh, ông Wen Bin, nói: “Quá trình phục hồi của kinh tế Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc cho thấy con đường trở lại cuộc sống bình thường sẽ đương đầu với thách thức. Một số đợt bùng dịch nhỏ có thể diễn ra trong quá trình hồi phục, tuy nhiên nó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nói chung”.
Những cơn mưa lớn ở Vũ Hán cũng khiến cho tiêu dùng người dân khó phục hồi, theo phân tích của ông Wen. Mưa lũ dẫn đến lũ lụt kéo dài nhiều ngày tại miền Nam Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hơn 30 triệu người và gây ra thiệt hại kinh tế 61,8 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 8,8 tỷ USD, theo truyền hình trung ương Trung Quốc công bố ngày thứ Sáu vừa rồi dẫn nguồn số liệu của chính phủ.
Số lượng hành khách trên các tuyến tàu điện ngầm của Vũ Hán hiện vẫn chưa bằng nửa so với trước khủng hoảng, dù rằng nó đang tăng đều. Một lý do dễ hiểu chính là nhiều người đang chọn lái xe thay cho việc sử dụng các phương tiện công cộng nhằm tránh tiếp xúc với người lạ. Số liệu từ các hãng xe cho thấy nhu cầu mua ô tô tăng cao.
Giới chức đã đưa ra các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng, trong đó có 500 triệu nhân dân tệ được gửi đến người dân thông qua hình thức phiếu mua hàng hoặc đưa tiền mặt trực tiếp, ngoài ra là các biện pháp giãn thuế cho đến thời điểm cuối năm. Chính phủ cũng đang muốn mở rộng các khu vực tự do thương mại tại tỉnh Hồ Bắc để thu hút đầu tư vào khu vực.