Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hàng trăm nghìn DN gặp khó khăn khi khởi động lại sản xuất kinh doanh sau giãn cách. Bị thiếu dòng tiền, thiếu đầu ra trong khi chi phí đầu vào tăng.
Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2021, có hơn 52.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, gần 39.500 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 14.900 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 9.700 DN rút khỏi thị trường.
Xuống đáy “chữ U”
Theo TS - chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay chỉ khoảng 2,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 2,9% của năm 2020, thể hiện nền kinh tế đang nằm ở dưới đáy, với đồ thị tăng trưởng theo hình “chữ U”. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại. Trong khi đó, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế tính theo GDP hai năm nay chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới, thậm chí chỉ bằng 1/3.
Nhiều DN bị thiếu dòng tiền, thiếu đầu ra, trong khi chi phí đầu vào tăng. |
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng có nhìn nhận tương tự. Ông cho rằng, những hỗ trợ của Chính phủ cho cả nền kinh tế trong hai năm 2020-2021 còn khiêm tốn.
Về quy mô gói hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, bình quân các nước phát triển là 16% GDP, các nước có thu nhập trung bình cao là 15% GDP, các nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam là 7,7%. Trong khi đó, riêng Việt Nam gói hỗ trợ chỉ khoảng 4% GDP, con số này so với các nước tương đồng thì vẫn còn khiêm tốn.
Không chỉ vậy, Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào tháng 8/2021 cho thấy, các gói hỗ trợ tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gói hỗ trợ tiền tệ với trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng và gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội đã thực hiện còn rất nhiều khoảng cách so với nhu cầu thực tế.
Tổng hợp kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ qua từng giai đoạn, VCCI cho rằng một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Tuy nhiên, giảm thuế thu nhập cho DN nhỏ và vừa không giúp được gì cho những DN bị thua lỗ. Việc giãn thuế giá trị gia tăng cũng không có tác dụng gì với các DN phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không có doanh thu.
Gói hỗ trợ về vốn và tín dụng, rất ít DN tiếp cận được. Còn gói cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Các DN đã từng lập hồ sơ vay vốn ưu đãi, để trả lương cho người lao động năm 2020, đều không muốn tiếp tục vay gói hỗ trợ này vì thủ tục quá nhiêu khê, trong khi số tiền được phép vay không nhiều.
Nỗi lo chậm nhịp
Nếu chúng ta không có các chương trình kích thích tài khóa, tiền tệ đặc biệt đủ mạnh và sớm, với bối cảnh như hiện tại, sẽ rất khó khăn. Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 chỉ tăng trưởng ở mức 4-4,5%, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định.
Kinh tế đi xuống, Việt Nam đang lạc nhịp với thế giới. |
Kinh tế năm nay tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020, đang ở đáy chữ U. Tất cả đều đồng tình cần có những gói hỗ trợ, nhưng hỗ trợ cụ thể thế nào vẫn chưa rõ ràng. Vẫn chỉ đang bàn tính một cách rất thong thả và bình tĩnh, TS. Trần Đình Thiên nhận xét.
PGS Trần Hoàng Ngân cho biết, tại rất nhiều hội thảo, bàn tròn, hội nghị,... có ý kiến kiến nghị là Chính phủ cần sớm trình Quốc hội gói hỗ trợ mới, với quy mô đủ lớn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện chưa thấy đâu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ rất lớn và sớm vì vậy mà kinh tế đi lên. Kinh tế thế giới đang tăng tốc, trong khi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị chậm lại. Nếu năm 2022 mới đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, khi các nước đã thực hiện xong rồi, thì rất dễ bị lỡ nhịp.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho rằng, dư địa để Việt Nam thực hiện những gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn còn nhưng dư địa về thời gian không còn nhiều. Khi các quốc gia đã đi vào chu kỳ phục hồi mà Việt Nam mới bắt đầu đưa ra các chính sách thì sẽ muộn. Áp lực về lạm phát tăng, nếu không nhanh cả về việc ra chính sách và thực hiện, càng chần chừ thì dư địa thời gian càng bị thu hẹp lại.
Theo chuyên gia Trần Đình Thiên, năm hết Tết đến, đây là một cơ hội để kích cầu cho thị trường trong nước mà Chính phủ vẫn chưa có chương trình hành động nào. Bỏ qua thời cơ rất thuận tiện để tăng cầu nền kinh tế, kích thích DN sản xuất, kinh doanh thì nguy cơ bị lỡ nhịp là rất rõ ràng.
Trần Thủy