Theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank, lượng dân số siêu giàu (UHNWI) - những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên - tại Việt Nam năm 2021 là 1.234 người, giảm 1% so với con số 1.247 của năm 2020, và số triệu phú USD là 72.135 người.
Số người siêu giàu tại Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, đạt 1.551. Trong khi số triệu phú năm 2026 dự kiến là 114.807 người. Như vậy chỉ 4 năm nữa, cứ khoảng 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD.
"Chúng tôi đã và đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 USD/m2 trong năm nay do nhu cầu trong nước tăng cao, cũng như ước tính dân số siêu giàu Việt Nam tăng 26% trong giai đoạn 2021 – 2026, ngang ngửa với Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, chúng tôi hoàn toàn có thể thấy tiềm năng tăng trưởng vượt bậc trong tương lai", ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam cho hay.
Về xu hướng tiêu dùng của giới siêu giàu tại Việt Nam, báo cáo của Knight Frank đề cập đến sở thích giới nhà giàu và siêu giàu hướng đến tiêu thụ với đồng hồ và rượu vang. Doanh số cho hai mặt hàng này đã tăng tới 16%.
Theo Knight Frank, số liệu nhập khẩu cũng phản ánh thực tế này tại Việt Nam, với tổng giá trị đồng hồ nhập khẩu tăng 28,2%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Trong khi đó, doanh số xe hơi và giá trị rượu vang nhập khẩu giai đoạn trước đại dịch (2016 – 2019) cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực với 12,9% và 9,8% mỗi năm.
Khảo sát Knight Frank Attitudes Survey cho thấy gần một phần tư (23%) dân số siêu giàu có kế hoạch đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại. Giá trị trung bình của bất động sản nhà ở cao cấp cũng tăng 8,4% vào năm 2021, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ khi Chỉ số Khu dân cư Quốc tế Prime (PIRI 100) được Knight Frank đưa ra vào năm 2008. Trong số các thị trường được theo dõi, chỉ có 7 thị trường chứng kiến giá giảm vào năm 2021.
Báo cáo 2022 của Knight Frank nhận định: Sự phục hồi kinh tế toàn cầu của năm ngoái đã làm tăng quá trình tạo ra của cải. Trên toàn thế giới, số lượng UHNWI tăng 9,3% so với năm trước, tạo ra thêm 52.000 người siêu giàu so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này được trải đều ở các khu vực.
Báo cáo cho biết: "83% những người trả lời khảo sát của chúng tôi mong đợi sự giàu có sẽ tăng vào năm 2022 và kỳ vọng mức tăng trưởng 28% đối với lượng người siêu giàu toàn cầu vào năm 2026". Trong 5 năm qua, đỉnh điểm lạc quan trước đó là vào năm 2017, khi 72% người trả lời khảo sát (là những chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài sản) cho biết tài sản của khách hàng của họ đã tăng lên.
Trên toàn cầu, Knight Frank ước tính rằng có 129.557 người siêu giàu là người tự thân và dưới 40 tuổi; gần một phần năm tổng dân số siêu giàu. Bắc Mỹ có 44.751 siêu triệu phú tự thân, thấp hơn một chút so với châu Á là 44.565. Nga có tỷ lệ người siêu giàu tự thân cao nhất với 45%.
Nhóm nghiên cứu dự đoán số người siêu giàu trên toàn thế giới sẽ đạt 784.000 người vào năm 2026, con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ, chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực châu Á và châu Úc. Các chính phủ, với việc tìm cách giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo, sẽ tăng thuế đánh vào tài sản, làm giảm số lượng người siêu giàu ở một số quốc gia.
Hiện nay, Mỹ đứng thứ nhất, tiếp theo là Trung Quốc đại lục, và Ấn Độ đứng thứ ba về dân số tỷ phú trên toàn cầu vào năm 2021.
Knight Frank ước tính tài sản ròng trên cơ sở sử dụng dữ liệu bảng cân đối kế toán, nếu có, về tài chính và tài chính phi tài chính của các hộ gia đình. Các dự báo được đưa ra bằng cách sử dụng một số chỉ số, chẳng hạn như GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, mức tiêu dùng của chính phủ và rủi ro chính trị.
Trước đó, năm 2021, báo cáo lần thứ 15 của Knight Frank chỉ ra rằng, cá nhân cần ở hữu 160.000 USD (gần 3,7 tỷ VND) trở lên để lọt vào nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam. Knight Frank cho hay, con số này đối với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines là 60.000 USD, Malaysia là 540.000 USD, riêng tại Singapore là 2,9 triệu USD.