Theo Knight Frank, người giàu là những người có tài sản hơn 1 triệu USD và người siêu giàu có tài sản hơn 30 triệu USD. Trong năm 2021, số lượng người giàu và người siêu giàu của Việt Nam đã có sự giảm nhẹ.
Cụ thể, trong năm 2021, tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam trong là 1.234 người, giảm 1% so với năm 2020 (1.247 người). Bên cạnh đó, tổng số người giàu đạt 72.135 người, giảm 7% so với năm 2020.
Ngoài ra, Knight Frank dự báo, số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng 26% mỗi năm từ 2022 đến năm 2026, đạt đến con số ước chừng 1.551 người sau 4 năm nữa. Trong đó, số người giàu dự kiến sẽ tăng đến 114.807 người năm 2026, tức là cứ khoảng 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD.
Theo Knight Frank, hơn 1/3 giá trị tổng tài sản của nhóm siêu giàu tại Việt Nam là bất động sản. Đây cũng chính là loại tài sản phổ biến nhất của giới người giàu và siêu giàu.
Xét trên quy mô toàn cầu, Knight Frank đã thực hiện khảo sát Knight Frank Attitudes Survey với sự tham gia các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài sản cho giới giàu và siêu giàu. Theo kết quả của khảo sát, phần lớn tài sản của những tầng lớp này vẫn là bất động sản. Hiện nay, có đến 23% người siêu giàu dự định đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại.
Nếu xét theo danh sách tỷ phú mới nhất của Forbes tính đến ngày 7/4, hiện nay Việt Nam có tất cả 7 tỷ phú lọt vào danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Cụ thể, đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (6,3 tỷ USD), Chủ tịch NovaGroup Bùi Thành Nhơn (3,4 tỷ USD), Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (3,2 tỷ USD), CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (3,1 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (2,5 tỷ USD), Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (2 tỷ USD) và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD).
Trong số 7 tỷ phú của Việt Nam mà Forbes công bố, có 2 tỷ phú đang hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ thứ 423 người giàu nhất hành tinh theo Forbes đó là ông Phạm Nhật Vượng. Tính đến nay, giá trị tài sản ròng của ông đạt 6,3 tỷ USD.
Tỷ phú thứ hai cũng đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Chủ tịch NovaGroup, ông Bùi Thành Nhơn. Theo Forbes, ông là người giàu thứ 2 Việt Nam và xếp thứ 919 người giàu nhất hành tinh với giá trị tài sản ròng lên tới 3,4 tỷ USD.
Bên cạnh 2 tỷ phú trên hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản thì các tỷ phú còn lại tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, ông Trần Đình Long hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thép, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hoạt động chính trong ngành hàng không, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang thuộc lĩnh vực ngân hàng, còn ông Trần Bá Dương là lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô.
Do đó, các tỷ phú của Việt Nam theo danh sách của Forbes đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và chủ yếu đến từ ngành sản xuất và dịch vụ. Trên thực tế, các tập đoàn của các tỷ phú hiện nay không chỉ hoạt động trên một lĩnh vực mà đang mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, xét theo danh sách thống kê 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, hiện có 40 doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. 200 doanh nhân giàu này có tổng giá trị tài sản rơi vào khoảng 755 – 173.551 tỷ đồng (33 triệu USD – 7,6 tỷ USD). Trong đó, người giàu nhất vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, hiện ông đang năm giữ khối tài sản trị giá 173.551 tỷ đồng (7,6 tỷ USD).
Bên cạnh 40 doanh nhân đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nhân còn lại hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như: Ngân hàng, xây dựng, khai khoáng, hàng không, thương mại,…