Cụ thể, báo cáo Wealth Report 2021 được hãng tư vấn Knight Frank công bố chiều 2/3 nêu rõ, Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2020, ít hơn 15 người so với năm 2019. Đặc biệt, số người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam giảm 6%, từ 20.645 xuống còn gần 19.500 người.
Đồng thời, báo cáo lần thứ 15 của Knight Frank ước tính tốc độ tăng trưởng tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ đạt mức 31% - lọt top tăng mạnh nhất thế giới. Đến năm 2025, dự kiến Việt Nam có khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu trên 1 triệu USD.
Thực tế, cá nhân cần ở hữu 160.000 USD (gần 3,7 tỷ VND) trở lên để lọt vào nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam. Knight Frank cho hay, con số này đối với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines là 60.000 USD, Malaysia là 540.000 USD, riêng tại Singapore là 2,9 triệu USD.
Trên toàn cầu, nhiều quốc gia cũng chứng kiến lượng người giàu giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, trên thế giới, nhóm này giảm 8% xuống còn hơn 48,5 triệu người trong năm 2020.
Ngoài ra, Trung Quốc là quốc gia có số người siêu giàu tăng mạnh nhất trong năm 2020 với số lượng cá nhân sở hữu hơn 30 triệu USD (không tính giá trị căn nhà đầu tiên) tăng 16%. Tiếp theo là Thụy Điển với số người giàu tăng 11% và Singapore với 10%.
Báo cáo Knight Frank nhấn mạnh giá cổ phiếu tăng đã đẩy tổng tài sản của giới nhà giàu phình to bất chấp đại dịch Covid-19, chiếm khoảng 25% tổng giá trị đầu tư của giới siêu giàu. Các thị trường chứng khoán trong năm 2020, đặc biệt là Hoa Kỳ đã tăng mạnh sau cú chạm đáy hồi tháng 3. Chỉ số S&P 500 tăng tới 70%. Thêm vào đó, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cũng giúp nhà đầu tư có thêm thời gian theo dõi thị trường chứng khoán.