Phát biểu tại Đối thoại của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng) và Đại sứ quán Hàn Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) nhận định: Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 đang lang rộng trên khắp thế giới, Việt Nam đã trở thành một biểu tượng thành công trên toàn cầu khi đã kiểm soát được đại dịch.
Vậy nên, Việt Nam đang có giai đoạn chuẩn bị hậu Covid-19 nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam phải vững thì các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam mới có thể tiếp tục phát triển.
Để làm được điều đó, ông Kim Han Yong cho rằng có 3 vấn đề khó khăn mà đa phần các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải:
Đầu tiên, liên quan đến thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần. Do thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn chưa rõ ràng, nên có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đồng thời phải nộp thuế tại cả Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Kim Han Yong hy vọng hai bên sẽ làm rõ vấn đề này và xử lý bằng văn bản để tránh việc phải nộp thuế ở cả hai bên.
Cụ thể, ông Kim Han Yong giải thích, do không có quy định rõ ràng về thuế nhà thầu nước ngoài giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc đang phải nộp thuế nhà thầu nước ngoài tương ứng với mức 1% trên tổng doanh thu. Thuế nhà thầu nước ngoài được coi là thuế thu nhập doanh nghiệp do đó sẽ được đưa vào diện đối tượng khấu trừ thuế - đối tượng mà ở Hàn Quốc áp dụng với những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Ở trường hợp Việt Nam - Nhật Bản thì có nội dung tránh đánh thuế hai lần ghi trong hiệp định và ghi chính xác cụm từ thuế nhà thầu nước ngoài, nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc thì chưa có thỏa thuận đó. Việc điều chỉnh sẽ giải quyết được khó khăn của công ty Hàn Quốc ở Việt Nam. Các công ty có doanh số lớn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vấn đề này rất lớn, khiến họ phải cân nhắc về việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Vấn đề thứ hai là khó khăn liên quan đến mã vạch dành cho hàng hóa xuất khẩu. Cơ quan hải quan Việt Nam có yêu cầu các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng mã vạch nước ngoài. Trong quá trình kiểm tra hàng xuất khẩu có yêu cầu phải đưa ra minh chứng bằng văn bản với cơ quan quản lý mã vạch nước ngoài. Nếu không có minh chứng này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định kiểm soát chất lượng với sản phẩm xuất khẩu. Nhiều công ty kiến nghị làm rõ hơn quy trình nộp chứng từ, mã vạch, hướng dẫn cũ thể cho doanh nghiệp.
Thứ ba là việc phân phối cáp quang, sản xuất thành phẩm. Cáp quang là vật tư chiến lược sử dụng cho mạng viễn thông Việt Nam. Mặc dù có ít nhất 6 công ty cáp quang, trong đó có LSCV, M3, Sacom... đều có năng lực sản xuất mặt hàng này, nhưng các công ty thương mại và nhà sản xuất quy mô nhỏ đang nhập cáp quang thành phẩm của Trung Quốc và sử dụng sản phẩm đó để đấu thầu. Do vậy các hợp đồng thường ký ở mức giá thấp bất thường, cướp đi cơ hội của các công ty Việt Nam và xáo trộn thị trường ngành cáp.