So với cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kon Tum đạt thấp gần 5% so với thực nguồn. Cụ thể tính đến cuối tháng 2/2023 vừa qua toàn tỉnh chỉ giải ngân được khoảng 190 tỷ đồng, đạt gần 7% so với thực nguồn kế hoạch địa phương giao gần 3.000 tỷ đồng và đạt khoảng 5,30% so với kế hoạch vốn Trung ương giao gần 3.600 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp được tỉnh Kon Tum xác định do kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên… Ông Nguyễn Kim Thái, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gần 11%, huyện đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.
“Một số hộ dân không ủng hộ chủ trương nhất là những hộ mà khó khăn về kinh tế họ đòi nguồn tiền đền bù cho họ lớn hơn theo quy định của ngân sách Nhà nước. Thứ hai là một số hộ dân mua đất rồi ra khỏi địa phương, công tác liên hệ mời họ về để thống nhất kiểm kê rồi đánh giá triển khai công tác đền bù theo quy định của Nhà nước rất là khó khăn” - ông Nguyễn Kim Thái nói.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tránh dồn gánh nặng giải ngân vào những tháng cuối năm, UBND tỉnh Kon Tum đang quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Đồng thời việc giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.