Năm 2021 là là năm mà rất nhiều ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy đối với một số ngành nghề kinh doanh, năm 2021 lại được xem là năm thành công khi các doanh nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, kinh doanh tăng trưởng.
"Ông tổng" Tập đoàn cao su Việt Nam lãi 5.600 tỷ đồng cả năm
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) báo cáo, riêng quý 4 doanh thu đạt 9.656 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, trong đó mảng sản xuất và kinh doanh mủ cao vẫn chiếm vai trò chủ lực khi mang về hơn 7.464 tỷ đồng, tăng gần 19% nhờ giá cao su neo ở mức cao. Bên cạnh đó, mảng chế biến gỗ cũng đem về nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi các mảng kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng thì mảng kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng ghi nhận sụt giảm 47% xuống 183 tỷ đồng. Tuy vậy do không còn khoản lợi nhuận từ thoái vốn các công ty thành viên và thanh lý vườn cây cao su (cùng kỳ đạt 1.263 tỷ đồng) nên lợi nhuận sau thuế quý 4/2021 giảm 44% về mức 1.786 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2021 Vietnam Rubber Group đạt 26.350 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng gần 25% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng 10% lên trên 5.600 tỷ đồng, hoàn thành và vượt 23% kế hoạch năm.
Quán quân tăng trưởng lợi nhuận thuộc về cao su Đồng Phú
Nếu tính doanh nghiệp ngành cao su có lãi tăng trưởng cao nhất phải kể đến cao su Đồng Phú (DPR). Doanh thu quý 4 giảm 3,5% so với cùng kỳ. Nhờ khoản thu nhập khác hơn 229 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần cùng kỳ lên 330 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2021 doanh thu Cao su Đồng Phú đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020, trong đó doanh thu từ kinh doanh mủ cao su đạt 860 tỷ đồng, đóng góp khoảng 71% tổng doanh thu. Doanh thu từ thanh lý cây cao su đạt 122 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế cả năm, đạt 594 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ. EPS thuộc TOP cao với 10.752 đồng.
Sau cao su Đồng Phú, thì Cao su Tân Biên (RTB) cũng là doanh nghiệp có lãi tăng trưởng mạnh. Doanh thu cả năm đạt 889 tỷ đồng, gấp rưỡi năm 2020. Còn lợi nhuận trước thuế đạt 415 tỷ đồng, gấp 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi lên 380 tỷ đồng.
Cao su Bà Rịa (BRR) đạt 500 tỷ đồng doanh thu cả năm, tăng 27,2% so với năm 2020 và báo lãi sau thuế tăng 34,2% lên 146 tỷ đồng. Kết quả này cũng giúp công ty vượt 20,5% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Cao su Phước Hòa lãi giảm 48% do không còn khoản đền bù dự án
Cao su Phước Hòa (PHR) cũng là một trong những "ông lớn" ngành cao su. Doanh thu quý 4 giảm 11% về mức 663 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 40% về mức 237 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2021 doanh thu công ty đạt 1.942 tỷ đồng, tăng trưởng 195 so với năm trước đó. Tuy vậy năm 2021 vừa qua không còn ghi nhận khoản thu nhập khác 935 tỷ đồng, trong đó có 860 tỷ đồng tiền bồi thường dự án như năm 2020 khiến cho lợi nhuận sau thuế còn 578 tỷ đồng, giảm 48,6% so với số lãi 1.125 tỷ đồng đạt được năm 2020.
Có đến 2/3 doanh nghiệp ngành săm lốp trên sàn báo lãi giảm sút
Trong các doanh nghiệp ngành cao su, có 2 doanh nghiệp ngành săm lốp cao su đang niêm yết cổ phiếu trên sàn là Casumina (CSM) và Cao su Sao Vàng (SRC). Casumina ghi nhận doanh thu quý 4 tăng 11,7% lên 1.355 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 32,6% lên gần 35 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2021 doanh thu tăng 3,2% so với cùng kỳ, lên 4.840 tỷ đồng. Tuy vậy do chi phí vốn tăng cao dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 42 tỷ đồng.
Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu quý 4 giảm 65% so với cùng kỳ, còn 248 tỷ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn dưới 5 tỷ đồng, bằng 17% cùng kỳ. Còn tính chung cả năm 2021 doanh thu thuần giảm 29,2% so với năm 2020, xuống còn 956 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn hơn 40 tỷ đồng, giảm 45% so với số lãi gần 74 tỷ đồng đạt được năm 2020. Doanh thu công ty giảm mạnh chủ yếu từ giảm doanh thu thương mại, bán hàng hóa (từ 487 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 73 tỷ đồng cả năm 2021).
Trong khi đó cao su Đà Nẵng (DRC) ghi nhận doanh thu năm 2021 tăng 20,1% so với năm 2020, đạt 4.380 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 364 tỷ đồng, vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 291 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
VHG tiếp tục đổi tên, thua lỗ năm thứ 6 liên tiếp
Một trong những cái tên của doanh nghiệp ngành cao su để lại ấn tượng lớn đối với nhà đầu tư là cao su Quảng Nam (VHG). Cách đây 4 năm, năm 2017 Cao su Quảng Nam bất ngờ báo lỗ gần 1.200 tỷ đồng với doanh thu chỉ tính hàng chục tỷ đồng.
Từ sau đó, công ty gần như không phát sinh doanh thu, hoặc chỉ phát sinh số nhỏ, dưới 10 tỷ đồng. cả năm 2020 và 2021 cao su Quảng Nam không phát sinh doanh thu, lỗ lần lượt 65 và 50 tỷ đồng. Lũy kế đến 31/12/2021 VHG lỗ 1.360 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 167 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 1.500 tỷ đồng.
Năm 2021 cũng là năm VHG có nhiều biến động với 2 lần đổi tên, định hướng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực khác. Cụ thể, tháng 5/2021 công ty đổi tên từ cao su Quảng Nam thành CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam và định hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi từ trồng và kinh doanh cao su sang Bất động sản. Đồng thời công ty nghiên cứu dự án bất động sản sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Tây Bà Nà. Tiếp đó cuối năm 2021 Công ty lại đổi tên thành CTCP Tập đoàn Tây Bà Nà, vẫn giữ nguyên mã chứng khoán VHG.
Thay cho lời kết
Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, dự báo năm 2022 ngành cao su Việt Nam sẽ được hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và giá trị cao su do trên thế giới vẫn khan hiếm nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt, nguồn cung cao su của khu vực Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết dẫn đến việc sản lượng mủ cao su tự nhiên sụt giảm.
Do vậy, giá mủ cao su dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 1/2022, giá cao su nước ta có xu hướng tăng nhẹ. Mức giá mủ cao su tiểu điền được thu mua dao động ở mức 290 – 350 đồng/ độ TSC.