Dẫn đầu về doanh thu trong nhóm doanh nghiệp đá xây dựng là Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico – KSB ). Trong suốt 5 năm qua doanh thu của Bimico luôn dẫn đầu trong đó năm 2020 đạt mức doanh thu cao nhất trong cả giai đoạn với 1.322 tỷ đồng. Bimico hiện đang sở hữu nhiều mỏ đá tại Bình Dương như Đá Tân Đông Hiệp (23 ha, hết hạn khai thác năm nay), Phước Vĩnh (30 ha), Tân Mỹ (41 ha); tại Đồng Nai là Thiện Tân 7 (12 ha); tại Nghệ An có Bãi Giang (20 ha).
Mặc dù dẫn đầu tuy nhiên tốc độ tăng doanh thu của Bimico đang chậm lại và để thay thế mỏ Tân Đông Hiệp - nguồn thu lớn nhất sẽ hết hạn khai thác cuối năm nay, Bimico có kế hoạch hoán đổi với công ty Thanh Lễ để nhận về mỏ đá Tam Lập, quy mô gần 19 ha. Đồng thời, Bimico cũng sẽ tăng tỷ lệ sở hữu từ 41% lên chi phối với một công ty vật liệu xây dựng ở Đồng Nai, quy mô 250 triệu tấn đá; đẩy mạnh mảng cho thuê khu công nghiệp, dự kiến góp tỷ trọng 32% doanh thu và 30% lợi nhuận toàn công ty, chỉ đứng sau các mỏ đá.
Một doanh nghiệp cùng ngành khác đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu đáng kể là Hóa An (DHA) trong 5 năm doanh nghiệp này đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình là 18%. DHA hiện đang sở hữu 3 mỏ đá là Tân Cang 3, Thạnh Phú 2, Núi Gió. Năm nay, công ty dự kiến sản lượng đá khai thác giảm 10% so với thực hiện năm trước, còn khoảng 2 triệu m3. Tỷ trọng sản lượng đóng góp từ các mỏ đá như sau: Thạnh Phú 2 (55%), Tân Cang 3 (30%), Núi Gió (15%).
Mỏ đá Thạnh Phú 2 tiêu thụ chủ yếu đường sông, mức cạnh tranh ít hơn, tuy nhiên vẫn phải qua khâu vận chuyển đường bộ đến xà lan, việc giám sát tải trọng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ. Mỏ đá Núi Gió sự cạnh tranh chưa cao, nhưng thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp và chưa ổn định.
Một doanh nghiệp khác cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu dương là C32 với 5% trong giai đoạn 2016 – 2020, C32 hiện đang hoạt động ở khá nhiều ngành nghề như xây dựng dân dụng, công nghiệp, sản xuất kinh doanh cấu kiện bê tông đúc sẵn và có khai thác đá xây dựng. Công ty sở hữu gần 12 ha ở mỏ đá Tân Đông Hiệp (Bình Dương), cải tạo đóng cửa trong năm 2021 và thông qua công ty liên kết sở hữu mỏ Tân Mỹ (Bình Dương)
Ở chiều ngược lại Đá Núi Nhỏ (NNC) và Cường Thuận IDICO (CTI) đang có doanh thu giảm trong giai đoạn 5 năm vừa qua trong đó NNC sở hữu 2 mỏ đá là Núi Nhỏ (diện tích 27,5 ha; Đồng Nai) và Mũi Tàu (diện tích 51,5 ha; Bình Phước). Tuy nhiên, mỏ đá Núi Nhỏ đang ở giai đoạn đóng cửa vì hết thời gian khai thác. Nguồn lực chính hiện tại nằm ở mỏ Tân Lập với lợi nhuận biên năm 2019 vào khoảng 30.700 đồng/m3 đá khai thác, thấp hơn so với mỏ Núi Nhỏ 58.600 đồng/m3.
Đa phần các doanh nghiệp đá xây dựng có lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh cốt lõi, trong đó Bimico không chỉ dẫn đầu về doanh thu mà còn dẫn đầu cả về lợi nhuận trong nhóm ngành, thậm chí nếu như năm 2016 khoảng cách lợi nhuận giữa KSB với các doanh nghiệp còn lại ở mức thấp thì sau 5 năm khoảng cách này ngày càng rộng ra, kết thúc năm 2020 KSB có lãi 319 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần so với các doanh nghiệp còn lại.
Đáng chú ý nếu như năm 2016 NNC duy trì khoảng cách lợi nhuận đáng kể so với CTI, C32 và DHA thì sau 5 năm lợi nhuận của 4 doanh nghiệp này đang gần như nhau trong đó NNC đang có mức lợi nhuận có xu hướng giảm trong khi đó lợi nhuận của DHA tăng trưởng bứt tốc từ gần 50 tỷ đồng năm 2016 lên 85,6 tỷ đồng trong năm 2020.
Chuyên gia trong ngành cho biết, ngành khai thác đá là nhóm ngành kinh doanh có điều kiện và các doanh nghiệp muốn kinh doanh đều phải xin được giấy phép khai thác các mỏ đá. Khi đã có được giấy phép và tiến hành khai thác thì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này đều không hề thấp. Nếu xét theo những tiêu chí này, cổ phiếu DHA và CTI đang chiếm ưu thế với các mỏ đá được cấp phép thời gian còn lâu dài.