Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn đối với hầu hết các ngành nghề kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, ngành phân bón, hóa chất còn gặp nhiều khó khăn hơn khi nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, việc xuất khẩu hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều vùng miền trong nước bị tác động nặng nề do thiên tai.
Năm 2021 mở đầu với dự đoán của các chuyên gia về nhu cầu tiêu thụ phân bón được phục hồi và giá phân bón nội địa được kỳ vọng tăng trở lại. Điển hình trong đó là việc giá nông sản đang ở mức cao, kỳ vọng xuất khẩu nông nghiệp được phục hồi kéo theo giá phân bón, nhu cầu mua tăng.
Kết thúc quý 1/2021 phần lớn các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh, trong đó tín hiệu tốt là lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Hai "ông lớn" Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đều có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng
Hai ông lớn trong ngành phân đạm là Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM) đều công bố kết quả kinh doanh khởi sắc. Đạm Cà Mau đạt 1.873 tỷ đồng doanh thu trong quý 1, tăng 39% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế tăng 64% lên mức 152 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do sản lượng và giá ure đều tăng. Theo ghi nhận, giá ure bình quân trên thế giới tăng 44% so với cùng kỳ. Trong khi đó doanh thu xuất khẩu của mảng Ure tăng gấp 3 lần quý 1/2020. Tổng doanh thu bán ure trong quý đạt 1.531 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu cả quý.
Năm 2021 Đạm Cà Mau đặt mục tiêu đạt 7.839 tỷ đồng doanh thu và 197,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy mới kết thúc quý 1 công ty đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và gần 77% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Đạm Phú Mỹ (DPM) ghi nhận doanh thu quý 1 đạt 2.004 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Nhờ giá bán phân bón tăng, nên lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 68,4% so với quý 1/2020.
Cũng không quên điểm qua Hóa chất Đức Giang (DGC) với số lãi sau thuế 292 tỷ đồng, tăng 46% so với lợi nhuận đạt được quý 1/2020.
Quán quân tăng trưởng thuộc về doanh nghiệp có lợi nhuận gấp 15 lần
Quán quân tăng trưởng về lợi nhuận quý 1 năm nay bất ngờ thuộc về Phân bón Bình Điền (BFC) – một cái tên khá nổi trên thị trường phân bón. Quý 1 vừa qua Phân bón Bình Điền đạt 1.766 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ giá bán cao, chi phí tiết giảm tối đa nên lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt trên 68 tỷ đồng, gấp 15 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020. Đây chưa phải là mức lãi cao nhất theo quý công ty từng đạt được, nhưng với tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận này, Phân bón Bình Điền đã nhận vị trí quán quân.
Loạt doanh nghiệp ngành phân bón hóa chất có lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Quý 1 vừa qua ghi nhận phần lớn các doanh nghiệp trong ngành phân bón hóa chất có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Hóa chất Lâm Thao (LAS) báo lãi 24,2 tỷ đồng, gấp 6 lần quý 1/2020. Lợi nhuận tăng trưởng bằng lần còn có Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE) với số lãi sau thuế 8 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh còn có Hóa chất Việt Trì (HVT) với số lãi sau thuế 9,3 tỷ đồng, tăng 90%. Còn có Phân lân Ninh Bình (NFC) với lợi nhuận tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.
Đạm Hà Bắc giảm lỗ hơn trăm tỷ so với cùng kỳ
Cái tên được quan tâm khá lớn trong ngành phân bón còn có Đạm Hà Bắc (DHB) – doanh nghiệp thường xuyên thua lỗ. Quý 1 vừa qua doanh thu của Đạm Hà Bắc vẫn đạt hơn 994 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy vậy gánh nặng chi phí khiến cho Đạm Hà Bắc lỗ 249 tỷ đồng quý 1.
Dù là lỗ lớn nhưng số lỗ này đã giảm được 111 tỷ đồng so với số lỗ hơn 360 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2020. Số lỗ này cũng nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối của Đạm Hà Bắc lên hơn 5.000 tỷ đồng. Đã âm vốn chủ sở hữu hơn 2.234 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 2.722 tỷ đồng.
Trong khi Đạm Hà Bắc tiếp tục thua lỗ thì DAP Vinachem (DDV) đã chuyển từ lỗ 6,2 tỷ đồng quý 1 năm ngoái sang lãi lớn 35,5 tỷ đồng quý 1 vừa qua. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp công ty lãi lớn sau 3 quý liên tiếp thua lỗ trước đó.
Chuyển từ lỗ quý 1 năm ngoái sang lãi quý 1 năm nay còn có Phân bón Miền Nam (SFG) với số lãi 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 6,2 tỷ đồng.
Thay cho lời kết
Năm 2021 dự báo diễn biến thời tiết thuận lợi hơn cho ngành nông nghiệp, qua đó giúp nhu cầu tiêu thụ phân bón được cải thiện. Quý 2 là thời điểm bước sang vụ Hè Thu nên kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao. Theo AgroMonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự kiến đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Thêm vào đó, giá phân bón nội địa năm 2021 kỳ vọng sẽ tăng nhẹ theo giá thế giới.
Những tín hiệu tích cực này sẽ là kỳ vọng cho ngành phân bón quý 2 và những quý tiếp theo trong năm 2021 này.