Tiền thân là Hiệp định TPP gồm 12 nền kinh tế tham gia đàm phán ở 3 châu lục là châu Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico, Peru và Chile), châu Á (Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Bruney) và châu Đại dương (Úc); đến đầu năm 2017, CPTPP chính thức "chia tay" quốc gia lớn nhất là Mỹ sau tuyên bố rút khỏi hiệp định bởi tân tổng thống Donald Trump.
Những tháng ngày sau đó, các nước còn lại phải mở nhiều cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm cố gắng duy trì những mục tiêu đầy tham vọng của hiệp định TPP ban đầu. Và mới đây rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, 11 quốc gia thành viên đã chính thức ký kết CPTPP tại Chile, đánh dấu thành công đầu tiên sau bao thăng trầm.
Trước chiến thắng trên, rất nhiều "ngòi bút" trong và ngoài nước đưa ra nhận định xoay quanh hiệp định này, đáng chú ý Việt Nam là quốc gia có điểm nhấn khi những gỡ bỏ so với phiên bản TPP thời đầu được đánh giá là "bàn đạp" trên nhiều phương diện.
11 quốc gia thành viên trong CPTPP.
Ông Peter Tasker, Chuyên gia Phân tích của Arcus Research ở Tokyo (Nhật Bản) cho rằng: "Về mặt ảnh hưởng kinh tế thuần túy, xuất khẩu hàng dệt may và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh nhờ cắt giảm thuế quan tại các thị trường lớn trong khối và nhiều khả năng sẽ có sự bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài liên quan đến những mặt hàng này".
Đồng quan điểm, trong báo cáo "Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP: Trường hợp của Việt Nam", World Bank (WB) cũng nhận định xuất khẩu Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm 4,2%; nhập khẩu tăng thêm 5,3%. Về tác động theo ngành, sản lượng các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may sẽ tăng trưởng vượt bậc cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở kỳ vọng khi mà "cho đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa rõ như những điều khoản cụ thể nào sẽ được đưa vào CPTPP và RCEP, cũng như tác động đến việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường hay giảm HRPTQ", WB chia sẻ thêm. Như vậy, phân tích trên được WB đưa ra dựa trên nền tảng giả định tối ưu, song ngân hàng này vẫn nhấn mạnh tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) suy cho cùng sẽ vẫn phụ thuộc vào những cam kết cụ thể và tình hình thực hiện cam kết.
"Bù trừ" CPTPP, RCEP sẽ giúp người nghèo hưởng lợi nhiều hơn
Không chỉ dừng lại tại CPTPP, với định hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta cũng không quên rằng Việt Nam còn đang tham gia đàm phán tại Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), hiện đã đến vòng đàm phán thứ 21.
Được biết, đây là một hiệp định thương mại tự do được khởi xướng giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (gồm Bruney, Campuchia, Indonexia, Lào, Malaixia, Myanma, Philipin, Singapo, Thái Lan, Việt Nam) và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand), chính thức bắt đầu từ tháng 11/2012.
Một bên đã ký kết, một bên đang tiến hành đàm phán, song thực tế những tác động của cả CPTPP và RCEP đều không chắc chắn khi những khoản mục chi tiết chưa được đưa vào Hiệp định. Và với giả định bắt đầu thực hiện RCEP giữa 16 nước thành viên từ năm 2018, WB theo đó vẫn "đặt lên bàn cân" 2 hiệp định trong trường hợp tại Việt Nam.
Trước hết là về thuế quan, WB dự tính mức thuế quan thương mại bình quân gia quyền khi xuất khẩu sang các nền kinh tế CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Đồng thời, về thuế quan thương mại bình quân gia quyền của Việt Nam áp dụng cho các bên khác, trong CPTPP, mức giảm theo giả định sẽ giảm từ 2,9% xuống 0,1%. Trái lại, thuế quan đa phương sẽ vẫn cao trong trường hợp RCEP do đặt mục tiêu thấp hơn.
Chưa kể, CPTPP có mục tiêu lớn hơn về mức độ mở cửa thị trường so với RCEP, do đó những HRPTQ áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường nước ngoài dự kiến sẽ giảm bình quân 3,6 điểm phần trăm (tính theo mức thuế theo giá trị - advalorem) với CPTPP; trong khi chỉ giảm 2,0 điểm phần trăm tại trường hợp RCEP.
Một điểm khác nhau rõ ràng nhất, Việt Nam dự tính sẽ vẫn áp dụng các mức thuế quan đáng kể trong trường hợp RCEP, đặc biệt đối với hàng may mặc, hàng da; phương tiện vận tải; hàng dệt; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá. Tuy nhiên những hạn chế lớn nhất của RCEP sẽ đến từ các HRPTQ, theo đó Việt Nam sẽ có biện pháp bảo hộ đối với hàng hóa thương phẩm (thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, nông sản) và toàn bộ các ngành dịch vụ thương mại.
Về sản lượng tính đến năm 2030, WB cho rằng GDP của Việt Nam ước tính tăng 1,1%, so với mức tăng 0,4% của RCEP. Đồng thời, xuất khẩu với CPTPP dự báo tăng thêm 4,2% nhỉnh hơn so với mức 3.6% tại RCEP; ngược lại, nhập khẩu trong trường hợp CPTPP dự kiến tăng thấp hơn tại kịch bản RCEP là 5,4%, đạt 5,3% so với kịch bản cơ sở và năm gốc (2011).
Bài viết trước có đề cập nghi vấn CPTPP chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu; thì hôm nay, WB khẳng định mặc dù CPTPP có những tác động tích cực lớn hơn so với RCEP, nhưng tính bình quân, hiệp định này vẫn cho mức tăng thu nhập tương đối cao hơn cho các đối tượng ở nhóm 60% dân số thu nhập cao so với 40% dân số thu nhập thấp.
Do đó, RCEP theo giả định sẽ dẫn tới sự phát triển của những ngành có mức độ tập trung lao động lớn hơn ở nhóm 40% thu nhập thấp trong phân bổ thu nhập, gồm cả nông nghiệp và thực phẩm. Nếu kết quả cuối cùng của RCEP phù hợp với các tính toán trên, những lợi ích mà hiệp định này đem lại cho người nghèo sẽ lớn hơn tương đối so với CPTPP hay TPP-12.
Như vậy, thoáng qua có thể thấy rằng CPTPP có vẻ đi ngược lại với RCEP, tuy nhiên hạ hồi phân giải thì gần như tác động của 2 hiệp định này bù trừ, hỗ trỡ lẫn nhau. Vẫn câu hỏi cũ, Việt Nam liệu sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn? Và sau bài học từ WTO - khi mà đến nay đã 10 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng hết cơ hội WTO mang lại, thậm chí vẫn còn đó nhiều thách thức chưa được giải quyết; Việt Nam những ngày có RCEP và CPTPP sẽ khác quá khứ?