Theo người dân tỉnh Ninh Thuận, cây măng tây đang mở ra hướng đi ổn định cho bà con nông dân để phát triển kinh tế, nhờ loại cây này mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Bà con nơi đây cũng phần nào yên tâm với đầu ra của cây măng tây xanh, bởi sau khi thu hoạch xong đã có các thương lái bao tiêu ngay. Tại huyện Ninh Phước có nhiều hộ phất lên từ măng tây xanh điển hình như: Ông Hùng Ky, ông Từ Văn Hay, bà Châu Thị Séo,…
Clip khi thu hoạch măng tây, nông dân phải khom xuống để chọn cây mập to
Đặc biệt, để thu hoạch măng tây, bà con nông dân phải thức dậy từ rất sớm, khoảng 3 - 5h sáng và kết thúc thu hoạch trước khi mặt trời lên. Măng tây xanh sinh trưởng chủ yếu vào ban đêm, chỉ sau một đêm có thể phát triển từ 10 – 17cm và loại cây này ngày nào cũng cho thu hoạch.
Công việc thu hoạch măng tây rất khác với các loại cây khác, người thu hoạch phải khom hoặc bò sát dưới đất. Sau khi chọn được cây to mập, công việc tiếp theo phải moi đất trước khi bẻ măng tây và thường dùng tay để thu hoạch. Công việc này phải đòi hỏi người bẻ măng phải có kinh nghiệm, phải biết kỹ thuật thu hoạch.
Bà Châu Thị Séo (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) cho biết: "Cứ đến vụ thu hoạch, tôi và các lao động ở đây ra vườn rất sớm khoảng 4h sáng. Người đi thu hoạch phải chọn lựa những cây măng đúng tiêu chuẩn, không quá non và cũng không quá già. Nếu không cẩn thận rất dễ làm hư các cây măng tây non còn lại. Sau khi thu hoạch xong sẽ đưa vào phân loại, xử lý, đóng gói và xuất bán cho khách hàng".
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Ninh Thuận, khí hậu khô nóng cùng chất đất pha cát đặc trưng của Ninh Thuận rất thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển, với năng suất bình quân đạt từ 8 – 12 tấn/ha/năm.
Giá thu mua tại chỗ bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá măng tây 60.000 đồng/kg, người trồng đã có lãi trên 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các cây rau màu khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cây măng tây xanh được trồng chủ yếu tại các huyện như: Ninh Hải, Ninh Phước, TP. Phan Rang – Tháp Chàm,…