Thường người ta phơi nước biển để lấy muối, nhưng ở Bến Tre lại có nghề lạ lùng, hòa muối vào nước cho lên chiếc chảo khổng lồ đun cho cô đặc lại.
Từ ngoài cổng đi vào, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là kho muối thành phẩm trắng ngần, tiếp đến là kho muối thô màu ố vàng, xám xịt. Ở phía cuối, một người phụ nữ bên bếp lửa khổng lồ đang luôn tay đảo chảo muối. Trên bếp lửa là một cái thùng kim loại hình chữ nhật, cao chừng nửa mét, trong chứa nước và muối lúc nào cũng sôi sùng sục.
"Nghề gia truyền, làm nghề này ngày trước thịnh lắm á, nếu mà làm muối này từ hồi con gái đến giờ thì mua được đất Sài Gòn luôn chứ không đùa đâu nghe", chị Nguyễn Thị Nính (44 tuổi) chủ một xưởng nấu muối ở xã Đại Hòa Lộc (Bình Đại, Bến Tre) vừa đều tay đảo chảo muối khổng lồ của mình, vừa niềm nở trò chuyện.
Chị Nính khiêng từng xô muối màu nâu đất đổ vào thùng nấu và phải dùng một chiếc muỗng to như cái xẻng đào đất đảo liên tục để muối sôi đều và không bám vào đáy chảo. Khi muối cô đặc thành một lượng nhất định, chị Nính sẽ vớt lên hai chiếc thúng để cho ráo nước.
Khói từ chảo muối bốc lên nghi ngút khiến gương mặt chị Nính đỏ ửng. Luôn tay luôn chân vất vả nhưng người phụ nữ vẫn thường trực sự vui vẻ trong ánh mắt, phát ra những tiếng cười giòn tan.
Chị Nính kể, từ nhỏ chị đã thấy ông bà ngoại nấu muối, rồi mẹ chị cũng nấu muối, trong ấp cũng nhiều người nấu muối. Chị được dạy nấu muối từ khi còn con gái và giữ nghề cho đến bây giờ.
"Nghề này cực lắm, luôn tay luôn chân, chỉ được nghỉ khi tắt bếp, chỉ lợi là mình chủ động, nắng mưa gì cũng có việc làm. Ngày xưa thì ngon lắm, giờ muối rẻ hơn so với các mặt hàng khác, thành ra thu nhập tính ra là thấp, nên người ta cũng nghỉ đi nhiều, với nhìn vậy chứ không phải ai cũng làm được", chị Nính nói.
"Muối thô bẩn lắm, sau khi hòa tan phải lắng qua 3 lần rồi mới đem nấu được. Khi nấu thì vẫn phải vớt bọt bẩn nổi lên mặt chảo. Trước khi vớt muối thành phẩm vào thúng cũng phải rửa qua cho trôi nhựa bẩn đi thì muối mới thật sạch và để được lâu", bà chủ xưởng muối chia sẻ bí quyết làm nghề của mình.
Mỗi ngày, vợ chồng chị Nính đều dậy sớm để bắt đầu công việc. Chồng chị Nính xúc muối thô từ trong kho cho vào chum, hòa tan thành nước rồi đổ nước muối vào chảo. Chị Nính phụ trách đun lửa, đảo muối và vớt muối thành phẩm từ chảo vào thúng.
Muối thành phẩm sau khi ráo nước được nghiền nhỏ, đóng bao để đưa đi bỏ mối ở các quán ăn, tiệm tạp hóa trên địa bàn. Xưởng muối chỉ làm từ sáng đến quá trưa thì nghỉ. Với một bếp đun, mỗi ngày vợ chồng chị Nính chưng được khoảng 500kg muối thô, thu nhập đủ cho gia đình 3 người sống khá thoải mái so với cuộc sống thôn quê.
Và quan trọng nhất là nấu muối cần 2 người, nên vợ chồng khi nào cũng làm việc với nhau, nhọc nhằn vì đó mà có lẽ cũng giảm đi nhiều, dù có vất vả thì thợ nấu muối vẫn luôn vui vẻ.
(Theo Dân Trí)