Đến hẹn lại lên, cứ mùa tết về, từng đoàn sơn nhân trên các bản làng Tây Nguyên lại háo hức lên rừng săn tìm biệt dược cung cấp cho nhu cầu sử dụng của dân chơi sang chảnh tại các thành phố lớn.
Biệt dược rừng xanh
Dù dịch bệnh hoành hành, dù kinh tế khó khăn nhưng những cuộc săn lùng đặc sản rừng xanh không vì thế mà hạ nhiệt. Nhiều năm trước, chúng tôi thường liên lạc với Hoàng Dư, một thợ săn dày dạn kinh nghiệm ở rừng quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk. Hoàng Dư chân chất như sỏi đá, thật thà như gốc cây ngọn cỏ và không giận hờn khi nhiều người gọi anh là gã "sát thủ" máu lạnh, cũng chẳng nề hà khi kể chuyện về những lạc thú của rừng xanh. Bẵng đi 2 mùa "săn rừng", năm nay gọi cho Dư thì không liên lạc được nữa. Tôi bàng hoàng khi nhận tin Dư đã bỏ mạng vào mùa tết năm rồi bên đất Lào, trong một chuyến đi săn gặp tai nạn đường rừng.
Những chuyến đi rừng tìm biệt dược đầy gian khổ và nguy hiểm của thợ săn. |
Sinh nghề tử nghiệp âu cũng là lẽ thường tình nhưng cách chết của Dư khiến tôi ám ảnh khôn cùng. Cái giá phải trả chát đắng và đắt đỏ quá. Dư nằm lại trên mỏm núi hoang lạnh vùng biên, đồng nghiệp của Dư vẫn qua lại nơi đó, không hẳn là tiếc nhớ một thợ săn giỏi, mà để tiếp tục hành trình kiếm tìm biệt dược rừng xanh, chỉ để có chút tiền trang trải cuộc sống thiếu trước hụt sau quanh năm suốt tháng.
Năm nay vì tình hình dịch bệnh nên cánh thợ săn không qua Lào nữa. Thay vào đó, họ di chuyển qua địa phận huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng săn "khủng long", vốn đang được các lái buôn ở TP Hồ Chí Minh "khát hàng". Khủng long là cách gọi dân gian của dân vùng cao nhưng đó là kỳ nhông, kỳ đà hoặc kỳ tôm, loài bò sát có bộ răng sắc nhọn và móng vuốt cứng như dao, thường sinh sống trong các cánh rừng già, thung lũng ven suối. Chuyến săn rừng năm nay, nhóm của Y Phiên chọn con suối Đa Tong Kriong và Đạ Siat thuộc huyện Bảo Lâm.
Việc săn bắt thường diễn ra vào ban đêm, với dụng cụ khá đơn giản, gồm: đèn pin, một dây phanh xe đạp làm thòng lọng gắn vào đầu một thân cây dài 2m và túi lưới đựng. Kỳ nhông sập bẫy vì tiếng huýt gió, âm thanh giống như tiếng gọi tìm bạn của chúng giữa màn đêm. Y Phiên cho biết, bắt kỳ nhông chỉ cần vài kỹ năng là thành công, trong đó, tiếng huýt sáo càng êm dịu, du dương, con vật càng như mê man mà tự mò tới. Khi tiếp cận kỳ nhông, người phải nhẹ nhàng như lính đặc công. Con nào lim dim hai mắt ngái ngủ thì cẩn thận đưa thòng lọng vào cổ và giật mạnh. Khi ấy kỳ nhông không còn đường chạy và cũng phải thật khéo léo, nếu không sẽ bị bộ răng sắc nhọn hoặc móng vuốt cứng như dao cào tước da thịt.
Kỳ nhông nhốt trong bao lưới chuyển cho các lái buôn mang về thành phố. |
Giá thành kỳ nhông bình thường vào khoảng 300-400 ngàn/kg nhưng mùa Tết thì gấp 3-4 lần nên lôi cuốn những thợ săn quăng mình vào rừng, bất chấp hiểm nguy và rủi ro.
Chúng tôi ái ngại bởi cách kiếm tiền hung bạo và tận diệt kỳ nhông rừng, Y Phiên chỉ nhe răng cười, anh ta không mảy may quan tâm đến điều đó. Thứ Y Phiên và anh em thợ săn cần chính là những đồng tiền bán đặc sản săn được đó. Y Phiên nói: "Loài này không phải là động vật cấm săn bắt, nếu không phải là chúng tôi thì cũng vào tay kẻ khác. Người ta đi săn đầy rừng kia kìa". Đúng như lời anh chàng người Ê-đê nói, những cuộc săn lùng hậu duệ của khủng long đã và đang diễn ra trên khắp các cánh rừng.
Đầu mối thu gom đặc sản tại TP Hồ Chí Minh là Hai Hương, người phụ nữ trạc 40 tuổi, trước kia kinh doanh bia rượu sau đó thì chuyển sang nghề bán đặc sản rừng. Từng là đại lý cung ứng bia rượu cho các nhà hàng nên mối quan hệ của bà Hương rất rộng. Y Phiên cho biết, miễn là hàng rừng thì bao nhiêu bà Hương cũng thu mua, càng quý càng tốt, càng hiếm lại càng có giá cao.
Hàng sau khi thu gom về, bà Hương phân loại thành nhiều món, với các giá thành khác nhau, phù hợp với các thể loại người dùng. Với kỳ nhông có trọng lượng 300-500g bà Hương cho xẻ thịt, lấy mật. Mật kỳ nhông được "dân chơi" xem là biệt dược, có công dụng thần kỳ trong việc chữa các loại bệnh, đặc biệt là chuyện "phòng the". Nắm bắt được nhu cầu này, Hai Hương đã tận dụng tối đa khả năng thiện xạ của các sơn nhân núi rừng. Với loại kỳ nhông dùng lấy mật, 1kg có giá lên tới 3 triệu.
Trong nhiều nghiên cứu, mật kỳ nhông có chứa những chất có tác dụng thông kinh, thanh nhiệt, giải độc, giúp chống co thắt và co giật ở trẻ em rất hiệu quả. Y học hiện đại chỉ ra trong mật kỳ nhông có thành phần steroid - một chất kháng viêm, giảm đau hỗ trợ điều trị hen phế quản tốt. Đồng thời, mật kỳ nhông còn có tác dụng hỗ trợ điều hòa một số hoạt động trong quá trình trao đổi chất. Trong khi đó acid của mật kỳ nhông giúp hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ hấp thu vitamin cùng các chất béo tan trong dầu.
Còn trên bàn nhậu, rất nhiều những lời tán dương, ca tụng hiệu quả thần kỳ của kỳ nhông trong việc khẳng định sức mạnh quý ông. Chưa biết thực hư ra sao, chỉ những công dụng được đồn thổi như vậy đã khiến cho con vật này nằm trong tốp biệt dược quý hiếm. Theo lương y Lê Văn Tý, Giám đốc Trung tâm y học Thăng Long, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào khẳng định thịt cũng như mật kỳ nhông là biệt dược phòng the hay giúp chữa trị khỏi các loại bệnh như trên. "Họ "chém gió" với nhau rằng đây là đặc sản rừng già, hơn người là phải nhâm nhi cái gì đó khác biệt, xơi thú quý mới xứng đẳng cấp đại gia. Họ tung hô như thế để tận diệt thú rừng, kiếm chác lợi nhuận mà thôi", vị lương y nhận định.
Vào sâu trong rừng già, thợ săn phải đeo mặt nạ để tránh gai góc và các loại côn trùng đốt. |
Sống theo trào lưu thưởng thức của lạ, năm nào ông Lê Công H. ngụ Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cũng sẵn lòng bỏ ra hàng chục triệu để có được một món hàng "chơi" Tết. Ngay từ đầu tháng 8, ông H. đã đặt nhóm của Y Phiên làm cho mình một bình rượu "khủng long" ngâm tươi sống ngay từ khi mới bắt được rồi chuyển về TP Hồ Chí Minh cho ông. Có đơn hàng, Y Phiên cùng 2 thợ săn tức tốc lên đường, lao xuống khe suối lùng sục cho bằng được 10 chú "khủng long" ngâm rượu theo đúng tiêu chuẩn mà khách hàng đưa ra.
Ông H. cho biết, những năm trước ông chơi Tết bằng ngọc ngà châu báu, như nanh gấu, sừng tê giác, đá quý. Cũng vì tội khoe đẳng cấp ăn chơi mà ông bị cơ quan chức năng "sờ gáy", may là trúng phải hàng giả, chứ không thì gay go to rồi. Sau đận đó, ông H. chuyển sang đồ chơi khác. Năm nay, ông H. nghe được lời tư vấn của "thần y" ở tận An Giang khuyên nên dùng rượu ngâm kỳ nhông nhằm tăng sức đề kháng, giúp đánh bại COVID-19 (!?). Ngoài công dụng thần kỳ như thế, ông còn nghe người ta kháo nhau rượu ngâm kỳ nhông chữa được hàng tá bệnh nguy hiểm như lao, suyễn... Ông H. đặt riêng cho mình một bình ngâm rượu quý và đặt thêm 3 bình nữa để đi biếu Tết. Thời buổi dịch bệnh hoành hành, có lẽ thứ quý nhất chính là sức khỏe. Muốn có sức khỏe thì phải có thuốc tốt, thế nên người ta không ngần ngại vung tiền mua những thứ được cho là biệt dược như thế.
Nanh vuốt chúa sơn lâm
Ngoài biệt dược rừng xanh, còn một món hàng cũng đang được cánh "buôn thần bán thánh" lùng tìm, đó là nanh hổ và móng hổ. Sỡ dĩ mặt hàng này được dân ăn chơi lùng tìm vì năm sau là năm con hổ, vị chúa sơn lâm. Nắm bắt được nhu cầu cuồng nhiệt này, lái buôn Trần Văn Hơn, biệt danh Hơn "chúa" vung tiền thu gom một số nanh hổ được làm từ đá Dzi và đã sẵn sàng vào cuộc chơi "vua chúa" cho tết này. Hơn "chúa" quê gốc Cao Bằng, những năm tuổi trẻ của Hơn đều gắn bó với núi đồi và những chuyến đi buôn sản vật rừng xuyên sang Lào và Trung Quốc. Sau biến cố gia đình, Hơn bỏ quê hương bản làng vào tận Đồng Nai lập nghiệp. Sẵn kinh nghiệm cùng máu nghề săn rừng, Hơn nhanh chóng nắm bắt được cơ hội kiếm bộn tiền mỗi khi Tết đến xuân về. Để bán được hàng, Hơn đi học thêm phong thủy và bói toán nên anh ta còn có thêm biệt danh "thầy bà".
Hơn cho biết, nếu là nanh hổ và móng hổ thật thì giá rất cao, có thể tới hàng trăm triệu/chiếc. Nhưng, cái gì cũng có giá của nó, phía trước là tù tội nên anh ta chọn kinh doanh hàng giả, hàng nhái cho an toàn. Rất nhiều khách của Hơn là quý ông quý bà giàu có, thích kiểu chơi trội. Một miếng nanh hổ giả làm bằng đá cộng với một lần xem bói, phán duyên của Hơn sẽ có giá từ 5 đến 10 triệu đồng tùy khách hàng mà "chặt chém". Dù chưa tới Tết nhưng đơn hàng của Hơn đã lên tới hàng trăm, các thợ thủ công trong xưởng chế tác của Hơn đang ngày đêm làm việc cho kịp tiến độ. Hơn cho biết, dù là giả nanh hổ nhưng đá Dzi của anh ta là thật và tốt chứ không nhộm nhoạm chất lượng như phường buôn bán trên mạng.
Bình rượu kỳ nhông ông H. sắm tết năm nay. |
Lợi nhuận cao, dễ tiếp cận khách hàng, rất nhiều con buôn cũng đang tiếp cận vào lĩnh vực này. Trên khắp các trang mạng buôn bán online đều ra rả về mặt hàng nanh hổ, móng hổ, vuốt hổ. Thậm chí, có nơi còn khoe hàng thật 100% công khai. Tuy nhiên, Hơn "chúa" lắc đầu ngao ngán: "Buôn thứ này mà khoe hàng thật khác nào chui đầu vào lồng sắt. Thực tế, nanh hổ, móng vuốt hổ thật vẫn còn nhưng cực kỳ hiếm và chỉ có ở một số bản làng vùng cao Tây Bắc, do bà con lưu giữ lại từ nhiều năm về trước. Thứ này có tiền không thể mua nổi đâu".
Cuộc chơi hàng độc của giới "anh chị" chỉ mới bắt đầu, tuy nhiên cách chơi này chưa hề phổ biến. Thạc sĩ Lê Thị Thu Hường, nhà quản lý, chuyên gia văn hóa cho rằng, đó không phải là văn hóa, cũng chẳng phải đẳng cấp, đó chỉ là thú chơi nhất thời không đại diện cho một tầng lớp nào cả.
(Theo Công an nhân dân)