Bức bình phong bảo vệ làng
Lời giới thiệu hấp dẫn của một người bạn thôi thúc chúng tôi vượt chặng đường gần 50 cây số từ thành phố Đồng Hới đến làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) để được mục sở thị bàu mưng-“trái tim” của vùng vời ven sông Kiến Giang bốn mùa ngập nước này.
Với người dân làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) bàu mưng chính là niềm tự hào, là “trái tim” của làng quê.
Dẫn chúng tôi đi thăm bàu mưng, ông Nguyễn Thanh Thủy, Bí thư Đảng bộ bộ phận kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Thọ tự hào chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà người làng Phú Thọ dành những mỹ từ như: báu vật, linh hồn, trái tim hay lá phổi xanh... để nói về bàu mưng làng mình. Sự trường tồn của nó suốt hàng trăm năm qua đã minh chứng cho một sức sống mãnh liệt và những tình cảm thiêng liêng mà người dân nơi đây dành cho “báu vật” ông cha để lại”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọ, vị cao niên của làng, người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về bàu mưng Phú Thọ, bàu mưng có từ khoảng 400 năm trước (cũng là khoảng thời gian lập làng) do người địa phương tự trồng.
Thời ấy, mảnh đất mà các bậc tiền nhân đến cắm lều khai cơ, lập địa là một bãi cồn, nằm giữa vùng sình lầy nước nổi, bốn bề sóng nước mênh mông. Mỗi mùa mưa lũ, sóng từ phá Hạc Hải dồn vào, làng phải “trần lưng” chống đỡ. Có lẽ, bởi thế mà ngay từ khi lập làng, các bậc tiền nhân đã đi lấy cây mưng ở rừng về trồng thành từng hàng, từng lối ngay ngắn, thẳng tắp, bao phủ làng quê.
Khi lập làng, người Phú Thọ đã quy hoạch phía hậu làng một dãy ao hồ để lấy đất đắp làm nền nhà, nên đã tạo thành những dãy ao làng không gian thoáng đãng. Ở dãy ao làng, họ quy hoạch một vùng ao rộng lớn khoảng hơn 2.500m2, nằm phía sau đình làng, gọi là bàu. Bởi vậy, ở Phú Thọ, mưng nhiều nhưng người ta không gọi là rừng mưng hay vườn mưng, mà là bàu mưng. |
Bàu mưng Phú Thọ có quy mô chừng 1ha với khoảng 100 cây lộc vừng tỏa bóng um tùm trên mặt nước, có những cây to phải hai người ôm. Tận mắt chứng kiến bàu mưng với những thân cây xù xì, thô sần mới hình dung được sức chống chịu của loại cây quý này trước những khắc nghiệt của thời tiết, nhất là mỗi mùa mưa lũ xứ Lệ.
400 năm tồn tại và phát triển, bàu mưng trở thành “lá phổi xanh” bảo vệ làng trước những biến động của thời tiết, của ngoại xâm. Vào mùa mưa lũ, bàu mưng giúp người làng Phú Thọ giữ nhà, giữ vườn trước những đợt nước lũ từ phá Hạc Hải. Những năm kháng chiến, bàu trở thành nơi trú ẩn của bộ đội.
“Thời chống Pháp, bàu mưng cách đồn An Lạc của địch khoảng 1 cây số. Phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ, du kích đêm đêm về bàu mưng ẩn náu, đánh địch nhiều trận táo bạo. Thực dân Pháp thấy vậy, sai quân chặt phá bàu mưng không sót một cây. Người làng xót xa như chính da thịt mình bị cắt, tưởng như bàu mưng thế là... xong. Ấy vậy mà, những gốc mưng bị chặt được phù sa nuôi dưỡng, vẫn đâm chồi, tái sinh một cách mãnh liệt...", ông Ngọ chia sẻ.
Theo ông Ngọ, Đến kháng chiến chống Mỹ, bàu mưng lại trở thành thao trường để bộ đội, dân quân tập luyện. Và đến hôm nay, sau hơn 4 thế kỷ trường tồn, bàu mưng vẫn như một bức bình phong sừng sững, bảo vệ Phú Thọ trước những trận cuồng phong của bão lũ...
Quyết giữ bàu mưng xanh
Người làng Phú Thọ quý bàu mưng như chính sinh mệnh của mình. Họ bảo, bàu mưng chính là “linh hồn”, là “trái tim” của làng. Và dĩ nhiên, tình yêu đó đã biến thành sức mạnh để họ bảo vệ “trái tim” ấy trong suốt mấy thập kỷ qua.
Ngày trước, mưng chẳng mấy quý giá. Nhưng độ chục năm trở lại đây, mưng (cây lộc vừng) trở thành loài cây quý, được bán với giá rất cao trên thị trường. Dân chơi cây cảnh xem mưng là cây phát tài, phát lộc nên chơi mưng (cây lộc vừng) trở thành phong trào khá rầm rộ.
Đường về bàu mưng làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).
Không ít lần, thương lái đến Phú Thọ thuyết phục làng bán mưng (cây lộc vừng) với giá có khi lên đến vài tỷ đồng, nhưng họ chỉ nhận được những cái lắc đầu bởi người dân nhất quyết không bán. Bàu mưng Phú Thọ cũng trở thành đối tượng trong tầm ngắm của những tay “đạo chích”. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho người dân địa phương trong việc bảo vệ tài sản quý của làng.
Ban cán sự thôn đã họp bàn, quyết định thành lập đội bảo vệ bàu mưng giao cho Chi hội Cựu chiến binh thôn quản lý. Các thành viên đội bảo vệ đã phối hợp với lực lượng đoàn viên thanh niên cắt cử nhau ngày đêm tuần tra, bảo vệ, không cho đối tượng lạ thâm nhập bàu mưng. Nhờ đó, đến nay, gần 1ha bàu mưng với khoảng 100 cây vẫn nguyên vẹn.
“Hiện nay, đội bảo vệ bàu mưng vẫn được duy trì, hoạt động thường xuyên và được giao cho Công an thôn quản lý. Với người làng Phú Thọ, bảo vệ bàu mưng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với tổ tiên, với ông cha. Bảo vệ bàu mưng được đưa vào hương ước của làng và những ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết.
Theo ông Phan Thanh Lương, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, hiện tại, xã đang chỉ đạo thôn Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bàu mưng; đồng thời chỉ đạo thôn thường xuyên cải tạo, chăm sóc bàu mưng nhằm hướng tới quy hoạch bàu mưng trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.
Chia tay chúng tôi, Bí thư Đảng bộ bộ phận Phú Thọ Nguyễn Thanh Thủy không quên nhắn nhủ: “Thật tiếc vì cháu lên không đúng mùa hoa mưng nở, lên đúng mùa thì được chiêm ngưỡng cảnh đẹp miên man, chẳng muốn về luôn ấy chứ!”. Lời nhắn nhủ hấp dẫn ấy chắc chắn sẽ mời gọi bước chân chúng tôi trở lại đây vào mùa hoa mưng năm sau để được chiêm ngưỡng những thảm hoa mưng đẹp đến nao lòng như lời bạn tôi đã giới thiệu. Và hy vọng, đến lúc đó, những dự định của chính quyền, người dân nơi đây với bàu mưng Phú Thọ sẽ trở thành hiện thực. |