"Cổ tức năm 2017 cao tương đương 45% bằng tiền mặt là do ý chí của cổ đông lớn lúc đó (Thủy sản Hùng Vương - HVG) muốn chia cổ tức nhiều", ban lãnh đạo CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2018.
Khép lại năm 2017, FMC đạt 3,248 tỷ đồng doanh thu thuần và 122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch đề ra 30%. Kết quả khả quan này chủ yếu được đóng góp từ số tiền lãi nuôi tôm, không chỉ bù đắp được vào phần thiếu hụt trong lĩnh vực chế biến mà còn giúp Công ty vượt chỉ tiêu kế hoạch 2017.
Với thành tích trên, Công ty dự kiến chi cổ tức 45% bằng tiền mặt. Mặc dù nhận được mức cổ tức hấp dẫn song cổ đông lại thắc mắc vì sao lại đưa ra con số 45% tiền mặt (khoảng 148 tỷ đồng) trong khi đó lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 122 tỷ, như vậy FMC lấy nguồn đâu để chia?
Giải đáp điều này, FMC cho biết cổ tức năm 2017 cao là do ý chí của cổ đông lớn lúc đó (Thủy sản Hùng Vương - HVG) muốn chia cổ tức nhiều. Còn nguồn chia cổ tức sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.
Và sau khi chia tay HVG, tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2018 giảm hơn một nửa chỉ còn 20% tiền mặt. Con số này được FMC đưa ra dựa trên kế hoạch doanh thu tiêu thụ đạt 4,350 tỷ đồng (tăng 34% so năm 2017); lợi nhuận trước thuế ít nhất 140 tỷ đồng (giảm nhẹ so mức 142 tỷ đồng năm 2017). Sở dĩ Công ty đưa ra kế hoạch lãi thận trọng do rút kinh nghiệm từ năm 2017 khi giá cả tôm nguyên liệu không sụt giảm như dự kiến, thậm chí còn tăng nhẹ khiến FMC thiệt hại do ký hợp đồng trước đó.
Chia tay Hùng Vương, FMC sẽ đồng hành với hai đối tác mới trong vụ kiện tôm dai dẳng như thế nào?
Một điểm đáng quan tâm khác liên quan đến vụ kiện tôm kéo dài nhiều năm liền, nhiều cổ đông đặt câu hỏi liệu rằng hai đối tác mới (Thủy sản Bến Tre (ABT) và PAN Group (PAN)) sẽ hỗ trợ FMC như thế nào, đặc biệt trong trường hợp thuế POR12 được thông qua là 25,39%?
Trả lời, ban lãnh đạo FMC cho biết vụ kiện tôm đến nay mỗi năm xem xét hành chính một lần với mức thuế sơ bộ POR12 là 25,39%. Mặc dù không thể phủ nhận con số này gây bỡ ngỡ cho tất cả các doanh nghiệp tôm Việt Nam cũng như các công ty mua tôm ở Hoa Kỳ, song ban lãnh đạo vẫn vui mừng cho biết trong số các nhà máy tôm Việt Nam mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) từng qua xem xét hồ sơ thì FMC là nhà máy có sự chuẩn bị sổ sách tốt nhất. Do đó trên vai trò là bị đơn bắt buộc đại diện cho cộng đồng tôm Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ và dự kiến thuế suất khoảng 1%, điều này được nhiều bên liên quan khá an tâm
Một điểm đáng chú ý khác, vì phát hiện sau sót của DOC trong quá trình xử lý số liệu, luật sư FMC đã phản ánh và được DOC ghi nhận. Tháng 7/2018, DOC sẽ qua FMC thẩm tra sổ sách. Tựu trung lại, ban lãnh đạo FMC nhấn mạnh: "Trong vụ kiện lần này không có yếu tố bất lợi cho FMC do bên nguyên đơn không cung cấp hồ sơ gì cho DOC".
Trước đó vào tháng 11/2017, Hùng Vương (HVG) chính thức rút khỏi Sao Ta để nhường chỗ cho Thủy sản Bến Tre (ABT) và PAN Group (PAN), thương vụ này để lại nhiều suy nghĩ trong giới đầu tư khi FMC hiện là đơn vị kinh doanh hiệu quả trong hệ thống HVG.
Và mới đây, cổ đông FMC đã chính thức thông qua việc Chủ tịch Hồ Quốc Lực không còn kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc (TGĐ), thay thế là ông Phạm Việt Hoàng (Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ trước đó) với thời gian 2 năm. Đồng thời, Đại hội cũng miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT đối với ông Hà Việt Thắng (Phó Chủ tịch), ông Mã Ích Hưng và Thành viên BKS Nguyễn Thanh Tùng; nhường lại "ghế nóng" cho người của ABT và Pan Group (chiếm lần lượt trên 20% và 30% vốn FCM) là bà Nguyễn Thị Trà My (Phó Chủ tịch) và ông Đặng Kiết Tường vào HĐQT, ông Nguyễn Văn Nguyên vào Trưởng Ban kiểm soát.
Trên thị trường, cổ phiếu FMC vẫn trên đà tăng giá bền bỉ, hiện đạt đỉnh tại mức 30.400 đồng/cp (27/3/2018), ghi nhận tăng hơn 15 lần so với đáy những năm 2017-2018.
Giao dịch cổ phiếu FMC từ lúc niêm yết đến nay.