OYO đang là một trong những startup nổi bật nhất của Ấn Độ. Vào tháng 9/2018, họ đã quyên được 1 tỷ USD từ các công ty và quỹ đầu tư như SoftBank, Lightspeed, Sequoia và Greenoaks Capital. Theo đó, OYO được định giá tới 5 tỷ USD.
Tháng 1/2019, Nhà sáng lập kiêm CEO OYO – Ritesh Agarwal tiết lộ là họ đã tăng lên 200 triệu USD để ‘đánh chiếm’ chị trường Đông Nam Á, thay vì 100 triệu USD như trước đó.
"Đông Nam Á là một thị trường vô cùng hấp dẫn. Hiện khu vực này có 10 triệu phòng khách sạn hạng trung trở xuống chưa có thương hiệu và mới chỉ có 4,4 triệu trong đó là xuất hiện trên các trang web bán phòng trực tuyến. Cơ hội trong thị trường còn rất lớn.
Dĩ nhiên, tôi đánh giá cao những gì Ibis (thương hiệu khách sạn hạng trung của AccorHotels) và những người khác đã làm, nhưng một mình họ không thể đáp ứng hết nhu cầu của những người trẻ tại Indonesia, Việt Nam, Malaysia – những người cần không gian sống chất lượng giá cả phải chăng", startup Ritesh Agarwal giải thích vì sao có sự thay đổi nói trên.
Lúc đó, Ritesh Agarwal còn cho biết là mình có 300 nhân viên sale tại Đông Nam Á, những người có thể ký hợp đồng với các đối tác trong vòng chưa đầy 8 ngày kể từ cuộc họp đầu tiên với đối tác, bởi vì OYO có thể dự đoán lợi nhuận mà các khách sạn có thể mang lại cho đối tác sau khi gia nhập OYO.
Vị CEO trẻ tuổi này cũng tin rằng, OYO sẽ nhanh chóng trở thành thương hiệu khách sạn lớn nhất Đông Nam Á và thế giới, vì "không có chuỗi khách sạn nào có thể biết về cách xây dựng thương hiệu, nhượng quyền và cách cho thuê phòng ở khách sạn dưới 100 phòng và chúng tôi là công ty duy nhất biết cách đúng để làm điều đó".
Tuy nhiên, khi vào Đông Nam Á, OYO đã phải đối mặt với một đối thủ vô cùng cứng cựa – RedDoorz, đã nằm vùng ở đây được 4 năm.
Có một điều thú vị là, ông chủ của RedDoorz cũng là một người Ấn Độ, tên Amit Saberwal và mô hình kinh doanh của RedDoorz chính lấy cảm hứng từ OYO. Tuy nhiên, RedDoorz lại bắt đầu hành trình của mình tại Indonesia chứ không phải Ấn Độ. Và sau hơn 4 năm, ngoài Indonesia, RedDoorz đã có mặt tại 3 nước Đông Nam Á khác là Phillippines, Singapore và Việt Nam.
Vào tháng 4/2019, RedDoorz cho chúng tôi biết là họ đã có 700 khách sạn trải dài ở 40 tình thành của 4 nước Đông Nam Á, mục tiêu của startup có trụ sở tại Singapore là "khách sạn RedDoorz sẽ hiện diện ở mọi góc phố quan trọng trên thế giới". Vào giữa tháng 3/2019, họ vừa nhận được 50 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B.
RedDoorz vừa chính thức làm lễ ra mắt vào tháng 3/2019.
RedDoorz bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam vào gần cuối năm 2018 và vừa làm lễ ra mắt chính thức người dùng Việt Nam vào tháng 3/2019. Sau 6 tháng gây dựng cơ sở, họ đã có 40 khách sạn trải dài khắp các quận nội thành TP. HCM. Kế hoạch của họ là sẽ mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng và Vũng Tàu; nhưng sau gần 3 tháng, website của RedDoorz vẫn chưa thấy cập nhật các thành phố mới, vẫn chỉ mỗi có TP. HCM.
Để không bị RedDoorz chiếm hết thị phần, năm ngoái OYO cũng cấp tập chạy đua ở khu vực Đông Nam Á, đầu tiên là Indonesia, Malaysia và giờ đến Việt Nam.
Hiện tại, trên website của OYO Việt Nam đã có 62 khách sạn mang thương hiệu của họ tại 6 thành phố lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, OYO cũng đang ồ ạt tuyển nhân sự trên các nền tảng tìm việc online ở Việt Nam.
Với tài lực của mình, dù đến sau song OYO không hề ‘nể mặt’ RedDoorz, trong khi đối thủ vẫn mò mẩm mở rộng thị trường ngoài TP. HCM thì OYO đã kịp có mặt ở 6 tỉnh thành: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc và Nha Trang.
Cũng như thế, trong vài ngày gần đây, OYO liên tục đăng tuyển nhân sự trên các trang web như VietnamWorks, Jobsgo, Jobstreet, Hoteljob….để tuyển dụng các vị trí như Trưởng phòng phát triển kinh doanh, Trưởng dự án, Trưởng bộ phận Social Media, Thư ký hành chính…Có lẽ, OYO sắp mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Sắp tới, chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc giao tranh vô cùng thú vị giữa hai nền tảng này, không chỉ tại Việt Nam và trên cả Đông Nam Á.