Kỳ lân Coupang
Kịch bản này không phải là một cái nhìn vào tương lai của bán lẻ trực tuyến mà thực tế hiện nay ở Hàn Quốc, nơi Coupang trở thành hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất nước này. Các nhà phân tích ước tính doanh số của Coupang đạt đến 3 tỷ USD trong năm 2017. Công ty startup tám tuổi là một trong số ít các kỳ lân Hàn Quốc (công ty trị giá 1 tỷ USD trở lên) và được xem là một ứng viên mạnh để IPO ở Hàn Quốc vào năm 2019 hoặc 2020, mặc dù công ty chưa thảo luận về kế hoạch này.
Với trị giá hơn 5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, Coupang là địa chỉ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất và được đầu tư vốn tốt nhất cho đến nay ở Hàn Quốc. Coupang cho biết một nửa trong số 51 triệu số dân Hàn Quốc đã tải về ứng dụng di động của công ty. Có thể điều đó là lý do Amazon đang chiến đấu để chinh phục thị trường châu Á, vẫn chưa đặt chân vào thị trường Hàn Quốc.
Bom Kim, người sáng lập kiêm CEO Coupang, nhấn mạnh mục tiêu của ông là làm sao để việc mua và đổi hàng hết sức dễ dàng, bao gồm cả việc giảm bao bì, vật liệu nhồi và biết chính xác hàng của khách để đâu trên xe.
Một nửa than phiền của khách mua hàng trực tuyến là về giao nhận. Bom Kim, CEO của Coupang lấy đó là khu vực để tạo ra sự khác biệt: cho khách mau và trao đổi hàng thoải mái qua nhân viên giao nhận. Ảnh: TL
Hàn Quốc với dân số 51 triệu, chủ yếu sống ở các đô thị, là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và có một hạ tầng công nghệ tốc độ cao, là thị trường thương mại điện tử lớn thứ bảy thế giới (khoảng 56 tỷ USD), có thể vượt qua Nhật và Anh trong vòng năm năm để trở thành thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ. Nhờ dân sống tập trung ở đô thị, Kim cho biết 99,6% đơn hàng được giao trong vòng 24 giờ. Kim đang phấn đấu để giảm thời gian giao hàng khắp đất nước xuống còn một vài giờ đối với hàng triệu sản phẩm có trong kho.
Ăn đứt Bezos
Đằng sau hiệu quả cao này là một sự đầu tư công nghệ đáng sợ. “Cách chúng tôi đã tiếp cận là tích hợp từ A – Z không qua trung gian”, Kim nói. Coupang có xe tải riêng và hơn 10.000 nhân viên, trong đó có 4.000 tài xế giao nhận. Mặc dầu nặng về kỹ thuật, nhưng Coupang coi trọng mọi dịch vụ đối với từng cá nhân, theo dõi mọi tương tác và sở thích của khách hàng.
“Nếu bạn có em bé, không muốn tiếng chuông làm chúng thức giấc, người giao hàng của chúng tôi sẽ gõ cửa”, Kim nói. “Nếu bạn không có nhà và muốn gói hàng được đặt ở một nơi đặc biệt nào đó, chúng tôi sẽ để hàng nơi bạn thích. Nếu bạn không có nhà khi hàng được giao, tài xế sẽ gởi ảnh gói hàng được đặt đúng nơi chỉ định”.
Coupang không chỉ giao giày ballet, còn là nhà phân phối thức ăn thú cưng, hàng hữu cơ, thuốc bổ và sản phẩm chăm sóc đàn ông hàng đầu Hàn Quốc. Đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ đã khiến Coupang mang nợ: năm 2016 lỗ hơn 500 triệu USD trên doanh số 1,7 tỷ USD (số liệu 2017 chưa có). Kim không quan tâm đến nợ. “Chúng tôi đang đầu tư vào một trải nghiệm khách hàng”, Kim nói. “Chúng tôi có một cái nhìn rất dài hạn”.
Bom Kim không muốn thành “Amazon Hàn Quốc”, nhưng ông không thể bỏ qua các cơ hội kinh doanh ở quê nhà. Kẻ bỏ học trường kinh doanh Harvard tập trung vào doanh vụ giao dịch hàng ngày, như Groupon, rồi tiến đến một nền tảng bán hàng như eBay. Nhưng ông cho biết nhận thấy một nửa than phiền của khách hàng là chuyện giao hàng. Điều đó gợi cho ông một khu vực có thể tạo sự khác biệt.
Nỗi ám ảnh tập trung của Coupang vào dịch vụ khách hàng đã làm cho hãng trở thành “trùm” bán lẻ trực tuyến trong nước. Công ty luôn được bình chọn là nhà bán lẻ trực tuyến tốt nhất đối với lứa tuổi 20 trong một khảo sát do Daehak Naeil, một tạp chí đại học, thực hiện.