Wework được thành lập vào tháng 2010 bởi Adam Neumann đã nhanh chóng trở thành kỳ lân với những nhà đầu tư hàng đầu như Softbank. Tháng 1 năm 2019, doanh nghiệp này được định giá 47 tỷ USD, sau đó đăng ký IPO vào tháng 4/2019 nhưng chính thức hủy vào tháng 9/2019. Chính Softbank cứu Wework khỏi phá sản với định giá chưa đến 8 tỷ USD.
Ảo giác quá êm ấm làm con người ta từ chối sự thật
Tại tòa Dock 72 của Wework ở Mahattan, New York, Mỹ, ngoại trừ ngày khánh thành, đâu đó chỉ chưa đầy một phần ba diện tích trong tổng số 22.438 m2 sàn được sử dụng. "Nó thực sự trống rỗng không có ai" là lời nhận xét của Jurrien Swarts, khi anh chuyển startup của anh vào Dock 72.
Với hàng triệu mét vuông sàn đã đưa vào hoạt động hoặc đã ký hợp đồng thuê nhưng chưa kịp đưa vào kinh doanh, việc không kịp lấp đầy sàn này đã làm cạn kiệt nguồn tài chính của Wework. Sau khi thất bại trong việc huy động vốn qua IPO, Wework thoát khỏi phá sản trong gang tấc khi Softbank đắng lòng chấp nhận "write down" (ghi nhận sụt giảm định giá) gần 5 tỷ USD và bỏ thêm hàng tỷ đô la để cho vay vào phút cuối trong những nỗ lực cuối cùng cứu con "kỳ lân hàng mã" này.
Tài liệu IPO cho thấy, Wework lỗ lũy kế liên tục kể từ những ngày đầu thành lập và đốt hàng tỷ đô la cho việc thuê, xây sửa mặt bằng cũng như tiếp thị (cung cấp bia miễn phí) tới khách thuê văn phòng. Theo số liệu của CoStar - đơn vị theo dõi dữ liệu về mặt bằng thương mại, Wework đang đàm phán và xúc tiến ký các hợp đồng thuê với tổng diện tích sàn lên tới 0,9 triệu m2, chỉ riêng tại Mỹ và Anh (chưa kể hàng trăm thành phố ở các nước khác).
Việc có trong tay cục tiền hàng tỷ đô la dường như cũng là động lực để "sáng tạo" và "đột phá" dù có không muốn vẫn phải trỗi dậy. Không chỉ dừng ở việc tăng độ phủ rầm rộ bằng cách thuê mặt bằng mà không kịp khai thác, Adam Neumann "tài tình" vẽ ra tầm nhìn "độc đáo" trong việc xây dựng cộng đồng có ý thức.
Đi bằng "con đường qua dạ dày" với đồ ăn thức uống miễn phí vẫn chưa đủ, Adam Neumann cung cấp hàng loạt các dịch vụ miễn phí khác như các dịch vụ tư vấn, tuyển dụng, marketing, kết nối… và cung cấp cả vốn cho một số khách hàng. Một phần tiền của các các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) cung cấp cho Wework đã được cấp lại cho một số người thuê. Swarts, một người thuê cửa Dock 72 đã nhận được 75.000 đô la từ bộ phận đầu tư của Wework. Có lẽ các VC cũng đang tự nhủ là họ đã khá may mắn khi Wework đang sụp đổ vì nếu Wework mà thành công rực rỡ thì các VC cũng bị thất nghiệp hàng loạt.
Qua các câu chuyện như Wework hay Peloton hoặc Endeavor, các VC không những không ngăn chặn hay kéo các startup vào bối cảnh thực tế mà còn dùng tiền, được tín nhiệm cho VC từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn vốn từ quỹ hưu trí, nuôi dưỡng những ảo giác thay đổi thế giới của các startup này.
Cụ thể, trường hợp của Wework, các hợp đồng thuê từ chủ bất động sản (thuê vào) là các hợp đồng dài hạn từ năm đến hơn 10 năm. Trong khi đó, hợp đồng cho khách thuê (thuê ra) là các hợp đồng vài tháng đến dưới một hoặc hai năm. Cùng với tỷ lệ lấp trống trung bình thấp, tình trạng này cho thấy chắc chắn càng mở rộng thì độ rủi ro càng tăng cao và khả năng lỗ càng nhiều hơn.
Cách làm hư con người ta tốt nhất là vứt cho họ một cục tiền
Trong một khía cạnh về đầu tư, việc các VC bỏ tiền những số tiền khổng lồ vào Wework cũng là một câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bởi Wework không phải là đơn vị tiên phong trong ngành văn phòng. Trước đó, IWG and Servcorp đã cung cấp toàn bộ các tiện ích và dịch vụ cần thiết cho người thuê. Wework cố gắng tạo sự khác biệt của người đi sau với những hoạt động đốt tiền kể trên hoàn toàn dựa vào nguồn tiền huy động được của các nhà đầu tư. Nhưng giá trị thật của công ty và lợi nhuận chỉ đến từ hoạt động cốt lõi của việc cho thuê văn phòng thì không được tập trung.
Wework không có dấu hiệu sở hữu năng lực quản lý chi phí vận hành và năng lực phát triển doanh thu. Mark Dixon, CEO của IWG, nhận thấy hoạt động của Wework không khác việc điều hành một khách sạn bằng các cho thuê các phòng miễn phí: "Bạn có thể có một khách sạn lấp đầy phòng, nhưng bạn không thu được đồng nào cả".
Thiếu kinh nghiệm mà lại tham vọng làm lớn, Wework không khác gì cho một đứa trẻ mới tập đi xe, không có bằng lái nhưng vẫn chạy xe phân khối lớn trên đường cao tốc. Chạy theo tham vọng mở rộng ồ ạt kéo, những chàng trai trẻ non dại vào một thế tiến thoái lưỡng nan khi làm việc với các chủ nhà.
Tại những địa điểm mà không có lợi nhuận, những hợp đồng ký mà không có hiệu quả, những người kinh doanh sẽ tìm mọi cách để kết thúc hợp đồng hoặc thương thảo dãn tiến độ. Tuy nhiên, nếu Wework chấp nhận làm việc này thường xuyên sẽ tạo tai tiếng tới giới sở hữu bất động sản ngần ngại không cho thuê, từ đó sẽ không làm Wework đạt tăng trưởng như ảo tưởng. Chưa kể, các điều kiện giao dịch được thương thảo trong vội vàng không quá thuận lợi cho Wework, do kinh nghiệm non nớt. Tính tời tháng 6 năm 2019, tổng mức đền bù thiệt hại nếu Wework kết thúc hợp đồng sớm lên tới USD6bn.
Adam Neumann là nhà sáng lập hoành tráng nhất trong lịch sử khởi nghiệp khi công ty đang lỗ triền miên nhưng anh ta vẫn di chuyển bằng máy bay riêng. Cùng với những chiêu trò rút tiền từ công ty vào túi riêng như việc bán lại thương hiệu từ sở hữu cá nhân sang Wework với giá hàng triệu đô la hay việc mua tòa nhà rồi bắt Wework thuê lại...
Các nhà đầu tư một lần nữa đã không nhìn ra được vấn đề đạo đức và chưa học được từ các thất bại tỷ đô khác khi tin tưởng vào Elizabeth Holmes, Travis Kalanick hay Anthony Levandowski. Cục tiền của họ đã trao nhầm địa chỉ và gây tổn thất rất lớn cho những ai thực sự bỏ tiền ra khi kết quả là không có con kỳ lân nào mà chỉ có thêm vài con quái vật cho xã hội.
Quay trở lại hiện thực cơ bản của cuộc sống
Sau khi giải cứu và chấp nhận lấy cổ phần chi phối của Wework, Softbank đang cố gắng đưa công ty trở lại quỹ đạo của những công ty chia sẻ văn phòng. Marcelo Claure - Chủ tịch điều hành mới của Wework, tập trung lại vào hoạt động kinh doanh (bỏ các dự án gây lãng phí hoặc không liên quan như WeGrow - một trường tư thục vận hành bởi vợ của Adam Neumann hay WeLive, chỗ ở cho thuê), cải thiện tỷ lệ lấp đầy, và tìm đường sản sinh lợi nhuận.
Marcelo Claure sẽ mất rất nhiều thời gian để lấy lại hình ảnh của Wework đã mất dưới thời của Adam Neumann với những cách làm ăn chộp giật như việc dùng giảm giá và miễn phí (lên tới 3 năm) để kéo khách hàng. Jamie Hodari - CEO của Industrious, đối thủ của Wework, chỉ bị mất chưa đến 5% khách cho những cách làm ăn không đàng hoàng này và nhận xét chính xác: "Đấy là một chiến lược quá tồi. Việc giảm giá gợi ý cho người thuê biết rằng Wework chỉ là một thương hiệu rẻ mạt".
Đối mặt với sự thật trần trụi là chỉ một công ty bất động sản thương mại được áp dụng công nghệ, Wework chấp nhận với thực tại khi định giá công ty trong giao dịch cứu vớt sự sống dưới 8 tỷ USD (chỉ bằng 1/6 lúc cao điểm 47 tỷ USD). Các giá trị đã bị phá hủy trong mấy năm vừa qua sẽ còn mất rất nhiều thời gian để khôi phục.
Ngoài việc thất thoát tài nguyên nghiêm trọng, sự sụp đổ của "lâu đài cát" này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và niềm tin của những người lao động trong ngành, đặc biệt là của 4.000 nhân viên của Wework bị sa thải. Sự thất bại này đồng thời cũng ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đầu tư cho những startup chân chính thực sự tạo giá trị cho xã hội khi tâm lý và niềm tin của VC và các đơn vị cung cấp vốn cho VC sẽ trở nên nghi ngại hơn.
Adam Neumann không những không bị trừng trị mà còn biến thành tỷ phú trước khi bước ra khỏi công ty mà anh đã phá nhiều hơn là xây, đã cho thấy bong bóng công nghệ không khác quá nhiều các cuộc chơi lừa đảo trước đây. Điều này càng cho thấy sự cấp thiết của việc thận trọng và thẩm tra kỹ lưỡng đối với việc ủng hộ một startup nào đó thay vì cổ xúy một cách mù quáng để tránh tạo ra các ảo tưởng như thời gian vừa qua.