Anh Nguyễn Quang Lợi (SN 1976, thôn Sơn Thủy, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) cho biết: “Gia đình nuôi hươu lấy nhung nhiều năm nay. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, gia đình cắt được cặp nhung nặng 2,7kg. Cặp nhung hươu này đã được một khách hàng ở Hà Nội đặt mua với giá hơn 30 triệu đồng.
Theo lời anh Lợi, con hươu này nuôi được 5 năm và đã cắt nhung 7 lần. Trước đó, vào năm 2019, con hươu này đã cho cặp nhung nặng 2,87kg.
Sau khi biết tin, nhiều người đã tìm đến gia đình để chứng kiến tận mắt chú hươu cho cặp nhung "khủng" nhất tỉnh Hà Tĩnh cho đến thời điểm này.
Với sản lượng thu hoạch gần 15 tấn nhung hươu, người dân huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) ước thu 160 tỷ đồng trong vụ khai thác lộc nhung đầu năm nay.
Bà Uông Thị Kim Yến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho hay: Tổng đàn hươu toàn huyện đến nay đạt hơn 35.000 con, trong đó, số hươu cho lộc nhung chiếm trên 60%.
Lộc nhung thường được thu hoạch chính vụ từ dịp Tết Nguyên đán đến hết tháng 3, ngoài ra còn thu hoạch rải rác các tháng trong năm. Uớc tính, trong vụ khai thác lộc nhung năm nay, Hương Sơn đạt tổng sản lượng 14,5 tấn, giá trị khoảng gần 160 tỷ đồng.
Nhờ mang lại giá trị kinh tế cao nên đến nay, toàn huyện Hương Sơn đã có hơn 10.000 hộ dân sản xuất chăn nuôi hươu, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn. Trong đó, nhiều xã có số hươu lớn (từ 1.700 – 3.000 con), hộ dân nuôi hươu chiếm từ 80 – 90%, như Sơn Lâm, Sơn Trung, Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Ninh, Sơn Trường…
Không chỉ ở Hương Sơn, nghề nuôi hươu lấy lộc nhung cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở một số huyện miền núi khác như: Hương Khê, Vũ Quang. Tổng đàn hươu ở 2 huyện này vào khoảng 1.600 con.
Ông Trần Đình Chiến - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Kinh doanh hươu Hương Sơn cho biết, cùng với việc tạo lập và quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu, hơn 1 năm qua, các hộ kinh doanh, nuôi hươu Hương Sơn đã tích cực tham gia chương trình OCOP. Vừa qua, sản phẩm “Nhung hươu Chiến Sơn” của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn là 1 trong 3 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt 4 sao.
Nhung hươu nai là sừng của hươu đực hay nai đực. Hằng năm, vào cuối mùa hạ, sừng hươu, nai rụng đi, mùa xuân năm sau mọc lại sừng mới. Sừng mới mọc rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, sờ vào êm như nhung nên gọi là nhung hươu, bên trong chứa nhiều mạch máu. Nhung có thể chưa phân nhánh hoặc có nhánh, còn gọi là nhung yên ngựa (nhung mới bắt đầu phân nhánh, còn ngắn, bên dài bên ngắn). |