Kết thúc phiên giao dịch buồn cho những người nắm giữ cổ phiếu, VnIndex mất 45 điểm tương ứng 3,3% về 1.329 điểm; HNX-Index mất 8 điểm tương ứng 2,1% về 338 điểm.
Trong ngày vốn hóa thị trường mất đi hàng chục nghìn tỷ đồng này thì thanh khoản sàn HoSE đã xác lập kỷ lục mới với 38,35 nghìn tỷ đồng được chuyển giao và 1,2 tỷ cổ phiếu được trao tay. Đây là mức kỷ lục vượt xa 2 phiên cũ gần nhất được xác lập vào 4/6/2021 với hơn 30,7 nghìn tỷ đồng trong đó hơn 29 nghìn tỷ khớp lệnh và 1,7 nghìn tỷ thỏa thuận và .phiên 12/7/2021 với 28,8 nghìn tỷ khớp lệnh và 2,2 nghìn tỷ thỏa thuận.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng vọt sau gần 1 tháng giảm sút
Từ đầu năm 2020 đến nay, làn sóng nhà đầu tư mới ồ ạt đổ vào thị trường đã giúp thanh khoản tăng mạnh. Năm 2020, thanh khoản bình quân mỗi phiên giao dịch HoSE đạt 6.190 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước. Sang năm 2021, dù tình trạng tắc nghẽn kéo dài nhưng dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường khiến thanh khoản thường trên ngưỡng 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, thậm chí trong tháng 6 thanh khoản HoSE liên tục duy trì mốc tỷ đô (trên 23.000 tỷ đồng).
Mức thanh khoản cao duy trì khá lâu trên thị trường chứng khoán cho đến phiên 12/7/2021. Trong phiên này, VnIndex giảm sâu hơn 50 điểm kéo theo dòng tiền giao dịch mạnh mẽ. Sàn HoSE lúc đó đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng giao dịch trong đó 28,8 nghìn tỷ đồng giao dịch khớp lệnh-chỉ thua phiên kỷ lục khớp lệnh 4/6 một chút.
Tuy nhiên, sau phiên kỷ lục 12/7, thanh khoản HoSE rơi vào trạng thái "mất hút". Ngay sau phiên kỷ lục, giá trị khớp lệnh sàn HoSE chỉ còn 1 nửa tương ứng hơn 14,1 nghìn tỷ đồng và mức thanh khoản thấp kéo dài gần 1 tháng trời. Trong nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, thị trường chứng khoán vắng bóng những phiên giao dịch tỷ đô.
Từ khoảng 10 phiên giao dịch trở lại đây, thị trường chứng khoán bất ngờ sôi động trở lại. Sàn HoSE lại xuất hiện những phiên giao dịch tỷ đô. Nhà đầu tư không thể ngồi im khi VnIndex liên tục bứt phá từ vùng điểm 1.243 lên hơn 1.300 điểm nên đã mạnh tay đổ tiền vào chứng khoán.
Kỷ lục giao dịch được xác lập hôm nay khi sàn HoSE đạt giá trị giao dịch hơn 38,35 nghìn tỷ và hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được chuyển giao!
Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi bắt đáy
Nhìn lại 2 phiên thanh khoản thuộc kỷ lục là ngày 4/6 và 12/7 cho thấy, thanh khoản kỷ lục không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể kỳ vọng về dòng tiền đang bắt đáy cổ phiếu và thị trường sẽ bứt phá sau đó. Thông thường, yếu tố thanh khoản có thể dẫn đến kỳ vọng này nhưng bắt đáy trong một phiên giảm điểm kinh hoàng chưa chắc đã là lựa chọn phù hợp.
Nhìn lại phiên 4/6/2021: Phiên giao dịch này VnIndex tăng gần 10 điểm, kết thúc chuỗi ngày tăng 6 phiên liên tiếp với mức tăng 54 điểm. Nếu tính cả chuỗi ngày tăng nóng trước đó thì có thể nhận thấy, phiên 4/6/2021 là phiên chốt lãi khá "đậm" của những người nắm giữ cổ phiếu.
Sau phiên chốt lãi với giá trị giao dịch lớn kể trên, VnIndex đã điều chỉnh giảm sâu 2 phiên liên tiếp!
Phiên 12/7/2021: Trong phiên VnIndex giảm khủng khiếp hơn 50 điểm tương ứng 3,77% thì thanh khoản HoSE lên đến 31 nghìn tỷ. Tuy nhiên, những nhà đầu tư bắt đáy phiên này cũng không thể gọi là thành công khi mà thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc sau đó khiến chỉ vài ngày sau phiên thanh khoản lập kỷ lục thì thị trường chứng khoán mới kiến tạo xong vùng đáy mới 1.243 điểm vào 19/7!