Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây vẫn tiếp tục quá trình tái cấu trúc, xử lý những tồn đọng như sở hữu chéo, lợi ích nhóm, nợ xấu,…Các vị trí nhân sự cấp cao của các nhà băng cũng có nhiều thay đổi trong thời gian qua và luôn thu hút sự chú ý của thị trường. Có những ngân hàng như BIDV phải mất hơn 2 năm để trống ghế chủ tịch, đến cuối năm 2018 vị trí này mới chính thức được giao cho ông Phan Đức Tú. Hay những ngân hàng phải thay đổi nhân sự cấp cao nhiều lần trong thời gian ngắn như ABBank, SeABank,... trong năm 2018-2019.
Tuy nhiên, hiếm có nhà băng nào biến động nhân sự cấp cao như ở Eximbank, thay tới 3 chủ tịch HĐQT chỉ trong 2 tháng vừa qua.
Ngày 22/3, Eximbank bất ngờ công bố bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – người giữ vị trí chủ tịch HĐQT kể từ năm 2015.
Bà Lương Thị Cẩm Tú là gương mặt trẻ (sinh năm 1980), trúng cử vào HĐQT cách đây 1 năm. Bà Tú cũng là người duy nhất trong số 4 ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank tại đại hội năm 2018.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc không đồng ý với quyết định để bà Tú làm chủ tịch. Ông Quốc cũng ngay lập tức gửi đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3, TAND TP.HCM đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Giữa lúc mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn ngày càng lớn, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 26/4 đã phải hoãn lại vì chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, tức không đủ túc số theo quy định.
Đến ngày 14/5, ông Lê Minh Quốc có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT. Tòa án sau đó tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch HĐQT của Eximbank.
Một ngày sau, ngày 15/5, Eximbank lại ra quyết định với chữ ký của ông Lê Minh Quốc hủy quyết định 112 về việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch. Như vậy, ở thời điểm này, ông Lê Minh Quốc lại trở lại làm chủ tịch ngân hàng.
Trong khoảng thời gian 2 tháng nói trên, ngoài "cuộc chiến" vị trí chủ tịch HĐQT, vị trí đứng đầu ban điều hành cũng ở trong tình trạng rối ren. Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank đã hết hạn hợp đồng lao động kể từ ngày 4/4. Trong các văn bản báo cáo của ban điều hành tại tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên của nhà băng, chữ ký của tổng giám đốc cũng bị bỏ trống.
Một tuần sau khi ông Lê Minh Quốc trở lại với vị trí chủ tịch HĐQT, ngày 22/5, HĐQT Eximbank chính thức có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Đồng thời, cùng ngày, ngân hàng thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020. HĐQT Eximbank cũng quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó TGĐ thường trực làm Quyền TGĐ ngân hàng.
Ông Cao Xuân Ninh, tân chủ tịch HĐQT Eximbank được biết tới là người có thời kỳ làm Trưởng văn phòng đại diện NHNN tại TP.HCM và có nhiều năm làm việc tại Vietcombank. Ông Ninh tham gia vào HĐQT Eximbank từ năm 2015.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng, vị trí chủ tịch Eximbank đã lần lượt trong tay ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh. Chưa kể, trước khi từ nhiệm, ông Quốc còn ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng, một thành viên HĐQT thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được chuyển nhượng trong thời gian biến động nói trên và dẫn đến những thay đổi không nhỏ về sở hữu của các nhóm cổ đông tại ngân hàng này. Các nguồn tin tiết lộ, nhóm cổ đông mới liên quan đến tập đoàn phân phối ô tô thương hiệu Hàn Quốc đã gom lượng lớn cổ phiếu EIB và sở hữu khoảng 17-18% cổ phần ngân hàng, nhưng thời gian nắm giữ cổ phiếu chưa đủ 6 tháng nên theo điều lệ, họ chưa thể đề cử đại diện vào HĐQT và sẽ không tham dự ĐHĐCĐ sắp tới.
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm nay, bắt đầu từ năm 2015, khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với ngân hàng Nam Á (NamABank).
Cổ đông không đồng lòng, "lục đục" nội bộ đã khiến hoạt động kinh doanh của Eximbank rơi vào khó khăn một thời gian dài khi tổng tài sản sụt giảm, lợi nhuận lao dốc. Cổ phiếu EIB cũng từng bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp và vừa mới được đưa ra khỏi diện cảnh báo hồi tháng 4/2018.
Hoạt động kinh doanh của Eximbank bắt đầu có sự cải thiện trong 2 năm trở lại đây khi thoát lỗ lũy kế vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực chuyển mình, "New Eximbank" ngoài đối diện với tình trạng dang dở ở "thượng tầng" còn liên tục vướng phải các lùm xùm lớn với khách hàng trong thời gian qua. Cũng vì tranh chấp liên quan tới 2 vụ việc tiền gửi "bốc hơi" trong năm 2018, Eximbank phải trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 390 tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân khiến nhà băng phải ghi nhận khoản lỗ 309 tỷ đồng trong quý 4/2018.
Đến thời điểm này, cuộc chiến "ghế nóng" tại Eximbank ít nhất cũng đã tạm lắng xuống. Việc bầu ra được người nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT và TGĐ là một bước quan trọng cho việc chuẩn bị cuộc họp ĐHĐCĐ lần 2 sắp tới.
Trong thông cáo mới nhất, Eximbank cho biết sẽ dời ngày họp ĐHĐCĐ từ ngày 26/5 vào một thời điểm nào đó trong tháng 6 và thông báo cụ thể tới cổ đông sau. Theo thông cáo, ngân hàng cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức được đồng nhất và thành công.