Ngắm đàn hươu sao nuôi lấy nhung đẹp như tranh vẽ của gia đình anh Quan Văn Tiệp, phường Tân Hà, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Bỏ bàn giấy, bán xe máy để nuôi hươu
Anh Tiệp là người dân tộc Tày, quê ở xã Trùng Khánh (Na Hang), di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang về phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang. Năm 2004, anh tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Anh từng làm việc ở nhiều công ty có thu nhập ổn định nhưng cuối cùng anh Tiệp quyết định theo nghề nuôi hươu lấy nhung.
Theo anh Tiệp, hươu vốn là động vật hoang dã nên nuôi không khó. Ban đầu nuôi từ 3 con, đến nay trang trại của anh Tiệp luôn có từ 50 - 100 con hươu giống, hươu lấy nhung. Ảnh: Minh Ngọc.
Gặp anh nông dân trẻ Quan Văn Tiệp, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là chàng trai sức vóc, từng trải. Anh Tiệp kể, năm 2005, sau khi tốt nghiệp, anh xin về công ty Chế biến lâm sản Tuyên Quang. Trong những năm tháng làm ở đây, anh Tiệp được công ty cử vào TP.HCM học hỏi mô hình chế biến lâm sản, nhưng chính bản thân anh cũng không thể “ngờ” rằng, đây lại là cơ duyên của mình để bắt đầu cho những ý tưởng làm giàu từ nuôi hươu.
Trong thời gian ở TP.HCM, anh Tiệp may mắn một lần được đi tham quan mô hình nuôi hươu lấy nhung ở tỉnh Đồng Nai. Từ thời điểm này anh đã mê mẩn và nung nấu ý tưởng nuôi hươu. Tuy nhiên do thiếu vốn, lại bận công việc nên anh chưa dám liều.
Đến năm 2009, khi tích lũy được một số vốn nhất định, anh Tiệp quyết định đi vào huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) mua 3 con hươu giống về nuôi. Anh Tiệp nói, thời kỳ đầu gian nan, vất vả nhiều lắm, không có vốn để đầu tư, anh phải bán cả chiếc xe gắn máy - đây phương tiện đi duy nhất của cả nhà để lấy tiền “đổ” vào nuôi hươu.
Anh Tiệp cho biết, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh đã xuất bán 50 con hươu giống cho một số trại trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Ngọc.
Khó khăn càng tăng lên, khi gia đình anh Tiệp phản đối nuôi hươu, vì đây là mô hình mới ở Tuyên Quang. Mẹ anh bảo: "Dân làng đang bảo đầu mày có vấn đề. Hươu người ta chỉ nuôi ở vườn bách thú làm cảnh chứ có ai nuôi ở nhà".
Năm 2018, anh Tiệp được Tỉnh đoàn Tuyên Quang trao giải ba trong Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn Tuyên Quang”; Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao giải Khuyến khích tại Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp 2018. |
Khi anh Tiệp mời thợ đến nhà làm chuồng nuôi hươu, mẹ anh đuổi không cho thợ làm. Tuy nhiên, trước quyết tâm của con trai, bà đành phải “bó tay”.
Để học hỏi, nắm chắc kỹ thuật nuôi hươu, anh Tiệp thường xuyên gọi điện liên hệ với nơi bán giống. Có lần 3 con hươu cứ gầy còm không lớn được, anh phải vào tận tỉnh Hà Tĩnh để lấy thuốc chữa. Nỗ lực vượt khó, từ 3 con hươu giống ban đầu, đến nay chuồng hươu của anh thường xuyên có hơn 50 con.
"So với làm văn phòng, nghề nông vất vả hơn nhiều, điều quan trọng nhất là phải có đam mê. Từ lúc bỏ công việc văn phòng về làm nông dân tôi thấy tinh thần thoải mái, công việc hiện tại luôn mang đến niềm vui và thu nhập cũng cao hơn” – anh Tiệp chia sẻ.
Đến ngày hái nhung quý
Với những nỗ lực, luôn tìm tòi, học hỏi, giờ đây cơ sở nuôi hươu của anh Tiệp không chỉ dừng lại ở quy mô 200m2 mà anh mở rộng lên hơn 1.000 m2 được quy hoạch thành khu nuôi hươu trưởng thành cho nhung, hươu sinh sản và hươu giống. Không chỉ tự sản xuất con giống, cơ sở của anh còn là địa chỉ cung cấp nhung hươu tin cậy trong và ngoài tỉnh.
Anh Tiệp cho biết thêm, Năm 2019, anh thu 20kg nhung hươu, với giá nhung hươu khoảng từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/lạng thì mỗi năm một con hươu cho thu nhập từ 10 đến 23 triệu đồng tiền lộc nhung. Ảnh: Minh Ngọc.
Hơn 10 năm lăn lộn, đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm nuôi hươu, đến nay trang trại của chàng thanh niên Quan Văn Tiệp Tiệp đã lên tới trên 100 con hươu, trong đó đàn hươu sinh sản là 10 con, hươu khai thác nhung 25 con, còn lại là hươu giống.
Tiệp cho biết, trước tết anh đã xuất bán 50 con hươu giống cho một số trại trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang. “Hươu vốn là động vật hoang dã nên rất phừ hợp với khí hậu tại địa phương, theo tiệp thì nuôi hươu rất đơn giản, nhiều địa phương có thể nuôi được” - Tiệp nói thêm.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi hươu, theo anh Tiệp, hươu là động vật dễ tính, ăn các loại lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp. Anh Tiệp cho biết thêm, hươu thường mắc bệnh đầy hơi, tiêu chảy, nếu biết cách thì chữa rất dễ, không tốn chi phí mà bảo đảm sức khỏe cho hươu. Bệnh đầy hơi là do hươu ăn phải thức ăn không bảo đảm vệ sinh, nếu phát hiện muộn, chỉ sau 2 tiếng là hươu sẽ chết.
Do vậy, khi có dấu hiệu bụng hươu trướng lên bất thường phải lấy tỏi giã cho hươu uống. Chỉ cần bài thuốc đơn giản này là hươu khỏi ngay. Để hươu phát triển tốt, khỏe mạnh phải chú trọng nguồn thức ăn sạch, khi cho hươu ăn phải để ý xem lá cây có sâu cuốn lá, trứng sâu hay không, nếu ăn phải những thứ này, hươu rất dễ bị đầy hơi, tiêu chảy.
Với số lượng đàn hươu luôn duy trì từ 50 con đến hơn 100 con, sản phẩm nhung hươu và hươu thịt, hươu giống của anh Tiệp mỗi năm thu lãi 500 triệu đồng. Ảnh: Minh Ngọc.
Hiện tại, giá hươu giống dao động từ 15 - 25 triệu đồng/con. Trung bình mỗi trại nuôi từ 6 đến hơn 60 con, anh Tiệp đều hướng dẫn tỷ mỷ cách dựng chuồng, bỏ nền bê tông để áp dụng đệm lót sinh học cho đến cách chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho hươu. Anh cho biết, sau 2 năm tuổi, hươu bắt đầu cho thu nhung. Con trưởng thành từ 45 kg trở lên cho khai thác nhung ổn định, mỗi năm thu được trung bình từ 0,4 đến 0,9 kg nhung.
Với giá nhung hươu trên thị trường hiện nay khoảng từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/lạng thì mỗi năm một con hươu cho thu nhập từ 10 đến 23 triệu đồng tiền lộc nhung. Chưa kể giá trị thịt thương phẩm, hiện nay anh Tiệp cung cấp thịt hươu cho các nhà hàng ở TP Việt Trì (Phú Thọ), TP Hà Nội, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), TP Hải Phòng với giá 250.000 đồng/kg, hươu phải đạt trọng lượng từ 40 đến 50 kg/con anh mới xuất bán để đảm bảo chất lượng thịt cho các nhà hàng, đặc biệt phục vụ cho các khu du lịch như ở Tam Đảo.
Theo anh Tiệp, trong khi thị trường có quá nhiều các sản phẩm hàng hóa thì phải biết khảo sát, đánh giá nhu cầu người tiêu dùng đang cần loại hàng hóa nào để tổ chức sản xuất hiệu quả. Anh đã tiến hành khảo sát nhu cầu nhung hươu ở thành phố Tuyên Quang, Hà Nội và các tỉnh lân cận và quyết định theo đuổi nghề này vì nhu cầu nhung hươu của người tiêu dùng khá lớn.
Với số lượng đàn hươu luôn duy trì từ 50 con đến hơn 100 con, sản phẩm nhung hươu và hươu thịt, hươu giống của gia đình anh không đủ để bán, mỗi năm thu lãi 500 triệu đồng từ bán các sản phẩm này. Anh Tiệp bộc bạch, “Dù làm ở đâu, làm công việc gì cũng cần tinh thần nhiệt huyết, cống hiến và biết học hỏi thì sẽ có quả ngọt”. |