Một số trang tuyển dụng chuyên ngành công nghệ thông tin (IT) tại Việt Nam đang có tin tuyển dụng vô cùng đáng chú ý: Tuyển Kỹ sư cầu nối (Bridge System Engineer - BrSE) lương lên đến $3,000, nhiều quyền lợi hấp dẫn.
Kỹ sư cầu nối nghĩa là gì?
Ngành kỹ sư cầu nối (BrSE) hiện đang có mức lương phổ biến khá hấp dẫn. Theo chia sẻ của một giám đốc bộ phận quản lý kỹ sư cầu nối tại công ty IT lớn tại Việt Nam, lương của một kỹ sư cầu nối (BrSE) làm việc tại Việt Nam với khoảng 3-5 năm kinh nghiệm, tiếng Nhật N2 hoặc N1 khoảng từ 1.300USD đến 2.000USD/tháng tùy năng lực.
Còn nếu sang Nhật Bản làm việc, mức lương khởi điểm tối đa khoảng 25 man, tức khoảng hơn 50 triệu đồng/tháng, mức lương sau đó sẽ được điều chỉnh tăng theo năng lực và trình độ tiếng. Với 5 năm kinh nghiệm, mức lương của BrSE tại Nhật Bản khoảng 35-40 man, tức khoảng hơn 70 triệu đồng đến hơn 80 triệu đồng Việt Nam/tháng. Có những trường hợp lương cao đột biến đến 100 triệu đồng/tháng.
Theo IT Guru, hiểu một cách cơ bản nhất, kỹ sư cầu nối (bridge system engineer), trong chức danh công việc có từ bridge (cầu) nhưng thực sự ra chẳng liên quan gì đến cầu đường. Bridge system engineer (BrSE) thực chất là người kết nối giữa đội nhóm làm việc với khách hàng (offshore) và đội phát triển (onshore development team) trong các công ty cung cấp dịch vụ gia công (outsourcing).
Chức năng chính của kỹ sư cầu nối là hiểu được yêu cầu của khách hàng, truyền tải những yêu cầu của khách hàng về cho đội phát triển. BrSE cũng phải đảm bảo khách hàng nhận được những câu trả lời từ đội phát triển đưa đến cho họ.
Nói cách khác, kỹ sư cầu nối cũng là người tư vấn kỹ thuật cho khách hàng, đưa ra các giải pháp mà bài toán khách hàng đưa ra. Đồng thời họ cũng phải theo dõi tiến độ dự án, là người chịu trách nhiệm về sản phẩm khi bàn giao cho khách hàng.
Có thể nói ngắn gọn về vai trò của một BrSE là một người phân tích yêu cầu từ khách hàng (Business analyst), là lập trình viên (Developer) khi cần thiết, là người kiểm thử (Tester) khi bàn giao sản phẩm đồng thời cũng là người giám sát kế hoạch thực hiện (Project Manager).
Kỹ sư cầu nối đảm nhiệm những công việc gì?
Không chỉ có mức lương hấp dẫn, ngành kỹ sư cầu nối còn mang đến cơ hội đi làm việc dài hạn ở nước ngoài, mang đến trải nghiệm làm việc cũng như mức lương thưởng tốt.
Với nhiều điều kiện làm việc hấp dẫn như vậy, ngành kỹ sư cầu nối cũng có đòi hỏi khá cao cả về ngôn ngữ cũng như hiểu biết đầy đủ về ngành IT. Trong buổi chia sẻ thông tin về ngành kỹ sư được tổ chức bởi tổ chức MPKEN và công ty VTI, rất nhiều thông tin liên quan đến ngành này đã được chia sẻ cụ thể.
Theo ông Nguyễn Hữu Đăng – General Manager tại VTI Japan, kỹ sư cầu nối là người đi cùng dự án gần như là từ đầu cho tới chặng đường cuối cùng. Và tất nhiên trong 1 dự án, sẽ chia thành các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn thực hiện một phần việc đặc trưng riêng. Trong vai trò là kỹ sư cầu nối, người đó "kết nối" giữa 2 bên, vì vậy cần phải nắm được mọi việc để có thể làm việc và giải quyết tình huống kịp thời.
Tuy nhiên kỹ sư cầu nối thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ phải đảm nhiệm nhiều vai trò hơn thế, vì vậy cần đến kiến thức kỹ năng vô cùng tổng hợp. Ông Đăng phân tích kỹ sư cầu nối có thể là sự tổng hợp của nhiều vai trò như sau: Kỹ sư cầu nối (BrSE) = Phân tích nghiệp vụ (BA) + Kỹ sư phần mềm (SE) + Quản lý dự án (PM) + Người phát triển (Dev) + Kiểm thử phần mềm (Tester)
Kỹ sư cầu nối cũng sẽ theo dõi tiến độ và kiểm tra xem team phát triển đã và đang thực hiện đúng mong muốn của khách hàng hay chưa. Đồng thời, báo cáo với khách hàng về tình hình dự án và thương lượng nếu có vấn đề phát sinh.
Kỹ sư cầu nối cần những tố chất gì?
Ông Nguyễn Hữu Đăng – General Manager tại VTI Japan chỉ ra hãy nên nhìn vào sự biến mất của Nokia trên bản đồ công nghệ điện thoại thông minh thế giới để hiểu được nhu cầu luôn cần phải làm mới mình trong ngành công nghệ thông tin.
Để có thể tồn tại lâu trong ngành IT thì cần chịu khó học hỏi những công nghệ mới, không ngại đối mặt với những điều chưa từng làm bởi vì đây là một lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh. Vì vậy, việc không ngừng tìm hiểu những cái mới, những điều mình chưa có một chút kiến thức nào là điều đầu tiên.
Tiếp theo, nói về BrSe, đặc biệt BrSE ở Nhật đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, BrSE là cầu nối là trung gian giữa team phát triển và khách hàng nên cần thực sự tỉnh táo để xác nhận được mong muốn của khách hàng và xác nhận được năng lực của team phát triển.
Một tố chất cần thiết khác là sự mềm dẻo để có thể đối ứng được yêu cầu của cả 2 bên. Nếu một BrSE không khéo léo có thể phải chịu áp lực từ 2 phía, điều này rất dễ dẫn đến stress.
Kỹ sư cầu nối cần những kỹ năng gì?
Ông Hồ Hải Sơn – Phụ trách đào tạo Fresher tại VTI Japan chia sẻ về những kỹ năng chi tiết như sau:
Kỹ năng lập trình (code)
Có thể nhiều người nghĩ làm BrSE không cần biết lập trình. Điều này có thể đúng. Nhìn chung, công việc của một SE là phân tích yêu cầu, tạo tài liệu mô tả hệ thống, viết mã, và cả kiểm thử. Để tạo được một tài liệu miêu tả tốt thì cũng cần có một nền tảng lập trình nhất định.
Trong giai đoạn tiền dự án, lúc đó đang là giai đoạn lấy dự án về, BrSE là người tiếp cận gần nhất với khách hàng, sẽ thực hiện các việc như làm ra sản phẩm demo để trình bày với khách hàng. Lấy được về rồi mới chuyển qua các việc như ước tính công việc…
Khi cần trình bày một giải pháp, nếu không biết lập trình thì khó có thể trình bày chính xác được.
Có các trường hợp vì bảo mật cao, chỉ thành viên doanh nghiệp tại Nhật mới được truy cập vào hệ thống để sửa. Có một so sánh rất hay của một người BrSE lâu năm nhấn mạnh về kỹ năng biết lập trình: "Ngư phủ không phải lúc nào cũng bơi nhưng bắt buộc phải biết bơi", và tương tự vậy "BrSE không phải lúc nào cũng code nhưng bắt buộc phải biết code".
Kỹ năng giao tiếp
Bởi giữ vai trò cầu nối nên BrSE rất cần kỹ năng giao tiếp tốt. BrSE cần giao tiếp với khách hàng, giao tiếp với nhóm phát triển. Với khách hàng, với đặc thù về văn hóa, về lối sống, kỹ sư cầu nối sẽ cần cách tiếp cận và trao đổi riêng để có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng và đạt được sự tin cậy.
Đặc biệt, là người Nhật, cách nói vòng quanh rồi mới đi vào kết luận, đôi khi kết luận nằm phân tán trong các ý trước đó, vì vậy yêu cầu khả năng lắng nghe khá là cao.
Với nhóm phát triển, BrSE cần truyền đạt một cách chính xác, súc tích nhất. Và phần lớn BrSE sẽ làm việc với khoảng cách địa lý lớn với nhóm phát triển, nên hầu như là trao đổi trực tuyến. Trong quá trình làm việc, làm sao để đạt được hiệu suất cao nhất là kỹ năng mà mọi BrSE đều cần có.
Kỹ năng ngoại ngữ
Thực ra ngoại ngữ có thể gộp vào kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên đặc biệt trong ngành này, ngoại ngữ là một yếu tố không thể thiếu. Trước hết, nếu làm việc với khách hàng nào, thì nếu BrSE có thể giao tiếp bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, thì độ tin cậy và sự thân thiết sẽ được nâng cao hơn.
Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nên nếu chỉ cần có tiếng Anh thì hoàn toàn có thể làm việc và sinh sống thoải mái. Tuy nhiên, có các quốc gia khá đặc trưng như Nhật Bản chẳng hạn, tiếng Nhật vẫn là một yếu tố giúp người lao động trở nên vượt trội. Và bản thân người Nhật cũng rất thích làm việc với những người có khả năng nói tiếng của họ.
Ngoài ra, IT là một ngành đòi hỏi đọc tài liệu khá nhiều, mà tài liệu thì phần lớn là viết bằng ngoại ngữ, nên việc có ngoại ngữ vững chắc sẽ giúp ích rất nhiều.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề đặc biệt quan trọng trong ngành này vì chẳng ai có thể biết ngày mai sẽ có vấn đề gì phát sinh, có thành viên nào nào tự dưng không đi làm được dù dự án đang vào giai đoạn gay go, làm đã đời rồi mới phát hiện ra hiểu sai hoàn toàn yêu cầu của khách hàng…
Vậy khi có vấn đề phát sinh, thì cách tiếp cận sẽ rất quan trọng. Với cách tiếp cận hợp lý, việc to có thể dần dần được giải quyết, nếu không hợp lý hoàn toàn có thể gây nên vấn đề nghiêm trọng hơn tới dự án. Có thể nói kỹ năng này cần và sẽ được hoàn thiện dần khi "chinh chiến" nhiều trong công việc
Kỹ năng tự học
Cuối cùng, kỹ năng tự học cũng vô cùng quan trọng. IT phát triển rất nhanh, các kiến thức mới xuất hiện với tần suất dày đặc, vì vậy Nnên kỹ năng tự trau dồi là rất cần thiết. Chúng ta có thể học từ rất nhiều nơi, như là mạng internet, tài liệu, nhuwxg người đi trước, và ngay trong từng nhiệm vụ đang thực hiện. Tiếp theo, tùy theo định hướng mà mỗi cá nhân sẽ đi sâu vào từng nội dung cụ thể.