Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) là những Dự án được thành lập nhằm phát huy vai trò xung kích của Đoàn thanh niên tình nguyện đến vùng dự án lập nghiệp lâu dài, ổn định sinh sống. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quốc phòng - an ninh vùng biên giới.
Những Dự án Làng TNLN thu hút nhiều hộ dân dũng cảm, giàu ý chí đến xây dựng làng, lập nghiệp xây dựng cuộc sống mới.
Những ngày cuối năm 2018 đầu năm 2019, PV Báo Infonet đã tìm về nhiều Làng TNLN trong cả nước để tìm hiểu cuộc sống của người dân và ghi nhận sự đổi thay trên vùng đất mới.
Tại đây, PV thấy được sự kiên cường của những hộ dân kiên cường, chịu thương chịu khó bám làng; đồng thời chứng kiến nhiều bất cập về chính sách, quy trình thực hiện và sự hụt hơi của một số gia đình không đủ nghị lực và ý chí để ở lại vùng đất mới đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Anh Nguyễn Văn Diễn bên rẫy mía nhà mình |
Phủ màu xanh vùng biên giới
PV Infonet về thôn Thanh niên lập nghiệp (xã Ia Lốp) để tìm hiểu về đời sống của bà con nơi đây sau gần 10 năm bám đất bám làng.
Trên đường vào trung tâm thôn, thi thoảng PV lại gặp một vài đàn bò đang chen chúc gặm cỏ, con nào con nấy đều béo tròn. Hỏi chuyện một người chăn bò, anh cho hay, trong thôn Thanh niên lập nghiệp hiện có khoảng 15 hộ sở hữu đàn bò từ 10-30 con; ngoài ra, cũng rất nhiều gia đình nuôi từ 5-10 con bò để lấy phân và tăng gia, phát triển kinh tế...
"Ở đây đất rộng, có nhiều sườn đồi thấp nên thích hợp cho việc chăn nuôi bò. Ngoài việc tận dụng phân bò để bón cây, đàn bò còn mang lại thu nhập kha khá cho các hộ chăn nuôi", anh nói.
Đường vào thôn Thanh niên lập nghiệp |
Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Diễn là hộ tiêu biểu về làm ăn kinh tế của thôn được biết, năm trước (2017) anh nghe theo sự vận đồng của Tỉnh Đoàn Đắk Lắk và chính quyền địa phương, thực hiện liên kết với Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk để được đầu tư giống, phân bón… trồng 8 héc ta mía. Cuối năm, đồng mía của anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Năm nay anh mạnh dạn đầu tư, thuê thêm đất và trồng 20 héc ta mía. Dự tính, mùa thu hoạch mía năm nay, trừ hết mọi chi phí, gia đình anh sẽ thu về khoảng 500-600 triệu đồng.
Theo anh Diễn ở trong thôn có nhiều gia đình làm ăn kinh tế khá, nhiều nhà cũng trồng mía như anh, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng là không hiếm.
Ông Lý Văn Sài, Trưởng thôn Thanh niên lập nghiệp cho hay, từ năm 2009-2012, có tất cả 120 hộ dân từ các huyện khác nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến sinh sống, lập nghiệp tại thôn. Tại vùng đất mới, mỗi hộ gia đình được cấp 1 sào đất ở cùng 1,5 ha đất canh tác. Ngoài ra, mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà cửa.
Ông Lý Văn Sài (áo trắng), Trưởng thôn Thanh niên lập nghiệp trao đổi với PV |
Cũng theo ông Sài, thời gian đầu mới đến thôn Thanh niên lập nghiệp, cuộc sống của gia đình ông và bà con xung quanh gặp rất nhiều khó khăn, đất đai không màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt...
Tuy nhiên, được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương và cán bộ của UBND tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, các hộ gia đình đã đồng lòng đồng sức, cùng nhau quyết chí bám đất, bám làng để lập nghiệp.
Nhiều người tâm sự, buổi đầu, khi đến thôn Thanh niên lập nghiệp với hai bàn tay trắng; hầu hết bà con đều lo lắng cho tương lai trên vùng đất mới. Tuy nhiên, khi bà con đã ổn định chỗ ở, Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã kết hợp với Trung tâm khuyến nông huyện Ea Súp, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Trồng mía, trồng điều, chăn nuôi bò, dê là những cây trồng, vật nuôi chủ đạo của bà con trong thôn Thanh niên lập nghiệp. Đây cũng là định hướng mà cán bộ Tỉnh Đoàn Đắk Lắk và Trung tâm khuyến nông huyện Ea Súp đã vận động bà con thực hiện để phát triển kinh tế.
Từ những "bàn tay trắng", sau gần 10 năm định cư, phát triển kinh tế tại thôn Thanh niên lập nghiệp cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc. Trong thôn hiện có tổng đàn gia súc (trâu, bò) khoảng trên 300 con.
Ngoài ra, có hàng chục hộ khác đã tham gia liên kết trồng mía với Công ty mía đường Đắk Lắk, được bao tiêu sản phẩm và cho thu nhập ổn định hằng năm.
Khi đồng mía, đàn bò mang lại thu nhập ổn định, một số hộ có kinh tế khá trong thôn đã đầu tư thêm nông cụ, máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện, trong thôn đã có máy cày, máy kéo, xe công nông, máy xay xát lúa…
Đồng hành cùng dân bám làng
Anh Y Nhuân Byă (giữa)- Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk mừng vì dân quyết bám làng |
Với mục đích đưa thanh niên đến lập nghiệp, phát triển kinh tế, giữ gìn vùng biên giới của Tổ Quốc, từ năm 2006-2009, thôn Thanh niên lập nghiệp tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp đã được triển khai xây dựng với nhiều giai đoạn, hạng mục khác nhau bằng nguồn vốn Trung ương Đoàn và ngân sách của tỉnh Đắk Lắk.
Thôn được quy hoạch trên tổng diện tích 2.781,56 ha tại xã Ia Lốp với nhiều công trình như nhà tập thể; trạm xá; nhà làm việc cho ban tự quản, nhà sinh hoạt văn hóa nhà mẫu giáo…
Ngoài ra, hệ thống đường điện 17km đã được kéo về thôn với 3 trạm biến áp 5Kwh; khoan 70 giếng nước sinh hoạt và xây 120 bể chứa nước sạch cho các hộ dân.
Sau gần 10 năm định cư, phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân tại thôn Thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp đã có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước mắt.
Nói về những khó khăn trên địa bàn, ông Lý Văn Sài thông tin, bà con nơi đây mong mỏi nhất vẫn là đường giao thông. Bởi lẽ, từ thôn ra đến trung tâm xã Ia Lốp phải mất khoảng 15km. Đó là một đoạn đường không dài nhưng đa số là đường đất gập ghềnh, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại rất khó khăn.
Ông Sài trao đổi: "Khổ nhất là các cháu học sinh cấp 2, cấp 3 khi đi học ngoài trung tâm xã. Dù biết khó khăn vậy nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận rồi từ từ khắc phục. Nói chung, bà con ở lại, bám đất, bám làng và chí thú làm ăn như thế này là thấy vui rồi".
Anh Y Nhuân Byă - Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đánh giá, hiện dự án thôn Thanh niên lập nghiệp đã hoàn tất, nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Đoàn vẫn thường xuyên cử cán bộ vào theo dõi, nắm bắt tình hình để có những biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm hỗ trợ bà con trong việc phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn.
"So với mặt bằng chung thì đời sống kinh tế của bà con tại thôn Thanh niên lập nghiệp vẫn khó khăn như giao thông, thủy lợi... Tuy nhiên, chúng tôi mừng vì bà con đã ở lại, bám trụ trong thôn để phát triển kinh tế. Tỉnh Đoàn cũng sẽ cố gắng hết sức, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ bà con tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống", Anh Y Nhuân tâm sự.
(còn tiếp)