Cho đến nay, theo số liệu thống kê chính thức từ Our World in Data, khoảng 86% dân số Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ ba mũi vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ này cao hơn hầu hết tất cả các quốc gia lớn và giàu nhất thế giới ngay trong bối cảnh Cuba đang phải vật lộn với lệnh cấm vận thương mại kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ.
Với hai loại vaccine "cây nhà lá vườn" tự sản xuất là Abdala và Soberana 02, Cuba đã xuất sắc vượt qua nhiều quốc gia phát triển về tốc độ tiêm chủng. Chiến dịch chủng ngừa rộng rãi cho trẻ em từ 2-10 tuổi hồi tháng 9 cũng giúp Cuba trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em.
"Đây là kỳ tích đáng kinh ngạc", bà Helen Yaffe, giảng viên Đại học Glasgow, Scotland nhận định. "Vaccine chính là thành quả của một quá trình đầu tư nghiêm túc, về cả y tế công lẫn khoa học của Cuba".
Phát biểu với báo giới hồi tháng 2, bà Yaffe cũng khẳng định Cuba sẽ có thể nhanh chóng sử dụng vaccine nội địa. "Đây không phải phỏng đoán. Quan điểm này dựa trên sự hiểu biết của tôi về hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Cuba. Họ có đội ngũ bác sĩ gia đình và nhiều phòng khám trên khắp cả nước".
Chiến dịch chủng ngừa rộng rãi cho trẻ em từ 2-10 tuổi hồi tháng 9 cũng giúp Cuba trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em
Thành công của Cuba càng nổi bật hơn khi xét tới những thiếu hụt mà hệ thống y tế nước này đang phải đối mặt. Do không có dòng vốn ngoại tệ, Cuba khan hiếm thuốc kháng sinh đến mức 20 viên amoxicillin trên thị trường chợ đen có giá tương đương một tháng lương tối thiểu của nhân viên công chức.
Vaccine Cuba có thể sớm xếp ngang với các mũi tiêm hiện nay
Công nghệ sinh học của Cuba đã phát triển thành công 5 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus. Tất cả đều có khả năng bảo vệ lên tới 90% sau khi tiêm mũi thứ 3. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng vaccine của Cuba vẫn chưa được đánh giá cao bằng các cường quốc mạnh về y học.
Không giống những gã khổng lồ dược phẩm Mỹ như Pfizer hay Moderna sử dụng công nghệ mRNA, Cuba điều chế vaccine tiểu đơn vị (hay còn được gọi là vaccine dạng tế bào) với khả năng kích thích tế bào miễn dịch. Điều này giúp ích cho các nước thu nhập thấp bởi chúng khá rẻ để sản xuất, dễ dàng mở rộng quy mô và không đòi hỏi tủ cấp đông như các vaccine mRNA khác. Điều này được cho là sẽ mở ra cơ hội cho những nước nghèo có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chẳng hạn như châu Phi với vỏn vẹn 10%.
Công nghệ sinh học của Cuba đã phát triển thành công 5 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus
"Một điều quan trọng cần lưu ý là vaccine Cuba không yêu cầu nhiệt độ cực thấp như Pfizer và Moderna. Nó phù hợp với châu Phi – nơi vẫn chưa có khả năng bảo quản vaccine", ông John Kirk, giáo sư Đại học Dalhousie tại Nova Scotia, Canada cho biết.
Tuy nhiên, để cơ hội này có thể hiện thực hoá, vaccine Cuba cần đến sự phê duyệt của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Theo Vicente Verez, người đứng đầu Viện vaccine Finlay, các tài liệu cần thiết sẽ được đệ trình lên WHO trong quý đầu tiên của năm 2022. Nếu được thông qua, vaccine Cuba có thể xếp ngang với các mũi tiêm hiện nay.
Ý nghĩa to lớn
Khi được hỏi về ý nghĩa của vaccine Cuba, bà Yaffe chia sẻ: "Tôi nghĩ, với nhiều quốc gia phía nam, vaccine Cuba sẽ mở ra hy vọng lớn và giúp dân số của họ được tiêm chủng đầy đủ vào năm 2025".
"Trên thực tế, điều này tác động đến tất cả chúng ta bởi biến thể omicron đang xâm chiếm các quốc gia không có tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Biến thể mới sẽ phát triển, sau đó quay trở lại các nước tư bản tiên tiến vốn đang tích trữ vaccine", bà Yaffe nói thêm.
Bên cạnh đó, Cuba cũng đề nghị tham gia chuyển giao công nghệ, chia sẻ cách sản xuất vaccine với các nước có thu nhập thấp. "Mục tiêu của Cuba không đơn thuần chỉ là kiếm tiền, mà là bảo vệ sức khoẻ toàn cầu. Lợi nhuận mà Cuba tạo ra theo đó sẽ không khổng lồ như các công ty đa quốc gia khác", ông John Kirk cho biết.
Mục tiêu của Cuba không đơn thuần chỉ là kiếm tiền, mà là bảo vệ sức khoẻ toàn cầu
Như vậy, Cuba có cùng quan điểm với WHO. Tổ chức này trước đó đã kêu gọi các nước tạm ngưng việc triển khai mũi vaccine thứ ba để dành nguồn cung cho các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp. "Chúng tôi không thể chấp nhận việc một số khu vực sử dụng hầu hết nguồn vaccine toàn cầu, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất thì chưa được tiêm chủng", Tổng Giám đốc WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Theo: CNBC