Ngày 31/3, Huawei Technologies cho biết doanh thu từ mảng ô tô của hãng đã tăng gần gấp 6 lần trong năm 2024, trong khi mảng tiêu dùng – bao gồm điện thoại thông minh – cũng tăng hơn 38%. Đáng nói, kỳ tích này xảy ra bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn từ Mỹ nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Huawei – vốn bị Mỹ xem là rủi ro an ninh quốc gia – đã ghi nhận doanh thu 862,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 118,16 tỷ USD) trong năm 2024, tăng hơn 22% so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm 28% xuống còn 62,6 tỷ nhân dân tệ. Doanh thu năm nay đã phục hồi về mức tương đương năm 2019 – thời điểm Huawei lần đầu tiên bị đưa vào “Danh sách đen” của Mỹ.
Doanh thu của tất cả các mảng kinh doanh của Huawei đều tăng trưởng trong năm 2024. Mạnh nhất là mảng Giải pháp Ô tô Thông minh với doanh thu 26,4 tỷ nhân dân tệ – tăng 474,4% so với mức 4,7 tỷ nhân dân tệ của năm ngoái. Dù khẳng định sẽ không sản xuất xe mang thương hiệu Huawei, công ty cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp các giải pháp tích hợp như điều khiển thông minh, khả năng tự lái và hệ thống buồng lái thông minh thông qua các đối tác sản xuất ô tô hàng đầu tại Trung Quốc như BYD, GAC Group và Dongfeng Motor.
Huawei cho biết họ đã xuất xưởng hơn 23 triệu bộ linh kiện ô tô thông minh trong năm 2024 – gần gấp 7 lần so với năm 2023 – và hỗ trợ các đối tác sản xuất tổng cộng 15 mẫu xe khác nhau.
Doanh thu từ mảng thiết bị tiêu dùng – bao gồm smartphone, mảng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi lệnh cấm từ Mỹ – đã đạt 339 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024. Huawei gần đây đã ra mắt mẫu smartphone gập ba cao cấp tại Malaysia, song phần lớn doanh số điện thoại vẫn tập trung tại thị trường nội địa Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích không kỳ vọng doanh số sẽ tăng mạnh trong năm 2025 do Huawei vẫn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn chip xử lý di động.
Bà Mạnh Vãn Chu – Chủ tịch luân phiên của Huawei – mô tả kết quả kinh doanh năm 2024 là “đúng như kỳ vọng”. Bà cho biết Huawei sẽ tiếp tục củng cố hệ sinh thái nền tảng bao gồm hệ điều hành Harmony OS, cùng các nền tảng Kunpeng, Ascend và điện toán đám mây. Harmony OS được phát triển để thay thế Android của Google; Kunpeng nhằm thay thế chip Intel và AMD; trong khi Ascend là nền tảng tăng tốc AI nội địa, đối trọng với sản phẩm của Nvidia.
Mảng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông – bao gồm thiết bị viễn thông chủ lực của Huawei – đã tăng 4,9% trong năm qua. Dịch vụ đám mây Huawei Cloud ghi nhận mức tăng 8,5%, còn mảng năng lượng kỹ thuật số (bao gồm giải pháp năng lượng mặt trời) tăng hơn 24%. Huawei vẫn là công ty dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, theo sau là Ericsson, Nokia và Samsung.
Huawei không công bố chi tiết về mảng phát triển chip bán dẫn hay chuỗi cung ứng, nhưng cho biết việc thúc đẩy “chất lượng cao” – đặc biệt trong chuỗi cung ứng – sẽ là ưu tiên trọng tâm trong năm 2025. Một cuộc điều tra của Nikkei Asia phát hiện Huawei đang đẩy mạnh sự cạnh tranh của các nhà cung cấp công nghệ, chip, điện tử và thiết bị của Trung Quốc. SiCarrier – nhà sản xuất thiết bị bán dẫn – là ví dụ mới nhất.
Người phát ngôn của Huawei cho biết việc lợi nhuận ròng giảm trong năm 2024 là do các khoản đầu tư "hướng tới tương lai". Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty đạt kỷ lục 179,7 tỷ nhân dân tệ – tương đương 20,8% tổng doanh thu. Huawei cho biết sẽ tiếp tục dành hơn 20% doanh thu cho R&D trong năm 2025.
Trong khi đó, Mỹ đã ban hành nhiều vòng kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Viện CSIS (Mỹ), Huawei đã sử dụng các công ty bình phong để mua số lượng lớn chip AI từ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và tích trữ lượng lớn bộ nhớ băng thông cao – yếu tố then chốt cho khả năng xử lý AI.
Theo: Nikkei