Một người phụ nữ đã từ bỏ vị trí giám đốc điều hành ổn đỉnh và danh giá tại HSBC để chuyển sang làm việc cho Lehman Brothers chỉ một năm trước khi ngân hàng này tiêu tan cùng số tiền tiết kiệm của cô.
Một luật sư hiện đang làm việc cho một công ty khởi nghiệp vẫn còn nhung nhớ bầu không khí sôi nổi khi còn ở Lehman.
Một trợ lý điều hành làm việc tại ngân hàng trong 10 năm vẫn chưa thể tìm được một công việc khác. Anh lận đận chuyển từ công ty này sang công ty khác, mắc kẹt trong sự bấp bênh.
Sự thất bại của Lehman Brother vào năm 2008 đã đột ngột đặt dấu chấm hết cho quãng thời gian tươi đẹp của hàng ngàn nhân viên, và góp phần châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính tăm tối và sâu rộng tới mức khiến nhiều người mất niềm tin vào tương lai của nền tư bản nước Mỹ. Tới ngày 15/9/2008, ngân hàng phá sản và đẩy khoảng 25.000 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp.
10 năm sau sự kiện này, CNBC đã có cuộc trò chuyện với một vài người trong số họ để tìm hiểu cuộc sống của họ bây giờ ra sao.
Jayson Berkshire
Thời gian làm việc tại Lehman: 1998-2008
Vào một ngày thứ sáu trong tháng 3/2008, khi đang kiểm tra email từ sếp của mình, Jayson Berkshire, cựu trợ lý điều hành tại Lehman Brothers, đã gặp 1 cú sốc. Anh chuẩn bị mất đi công việc đã đảm nhiệm trong suốt 10 năm. Jayson, hiện đã 48 tuổi, cho biết: "Tôi cảm thấy bị phản bội."
Jayson có mối liên hệ chặt chẽ với ngân hàng, nơi anh làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần. Anh lên lịch kỹ lưỡng cho các sự kiện, sắp xếp các cuộc hẹn và lấy bữa trưa cho mọi người. Anh nói: "Tôi thích chăm sóc cho người khác."
Cuối tuần đó, Jayson lầm lũi dọn dẹp góc làm việc của mình. Vào thứ hai, anh chính thức bị giám đốc hành chính và một nhân viên nhân sự sa thải. Jayson chia sẻ: "Tôi không biết rằng họ đã dành 15 phút tiễn biệt tôi." Một trợ lý khác đã tới và khóc khi chia tay anh. "Dường như cô ấy không thể nói nên lời. Cô ấy đau đớn và sụp đổ khi biết rằng tôi là một trong những người phải ra đi."
Sau khi bị sa thải, phiền muộn nhấn chìm Jayson. Đến nay, anh vẫn chưa thể tìm được vị trí công việc tương tự. Một thập kỷ trước, anh kiếm được 85.000 USD mỗi năm ở Lehman Brothers, còn hiện nay, theo ước tính, con số chỉ vào khoảng 70.000 USD/năm. Hầu hết công việc anh làm qua đều chỉ là tạm thời. Thông thường, khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đều nói rằng anh có thể trở thành nhân viên toàn thời gian, nhưng điều đó lại không trở thành sự thật.
Jayson chia sẻ: "Tôi nhận thấy văn hoá doanh nghiệp đã hoàn toàn thay đổi. Tuyển dụng trợ lý là một điều hiếm thấy. Các công ty cho rằng không tuyển dụng trợ lý cho ban điều hành là tiết kiệm tiền, nhưng họ không hiểu rằng [nếu tuyển dụng] họ sẽ trả lương cho một người dành thời gian làm các công việc điều hành. Đúng là tham bát bỏ mâm."
Lisa Roitman
Thời gian làm việc tại Lehman: 2007-2008
Vào ngày 15/9/2008, Lisa Roitman, giám đốc tại Lehman Brothers, đang tham gia một bữa tiệc cùng gia đình tại Greenwich, Connecticut. Sau đó, một người hàng xóm làm việc tại Goldman Sachs đã bước về phía Lisa và nói: "Tôi nghe nói công ty cô đã nộp đơn phá sản hôm nay." Lisa điêu đứng.
Một năm trước đó, Lisa rời HSBC để đầu quân cho Lehman. Trong quá trình phỏng vấn, cô cho biết mình bị thuyết phục bởi sức mạnh của công ty này. Lisa làm việc trong lĩnh vực phái sinh quỹ với mức thu nhập khoảng 1 triệu USD/năm. Cô đã chuyển đổi toàn bộ cổ phiếu nhân viên tích luỹ được từ những năm 90 thành cổ phần của Lehman.
Không lâu sau đó, vấn đề bắt đầu nảy sinh. Những nhà giao dịch thế chấp làm việc cùng tầng với Lisa biến mất dần. Sau đó, cô bị sốc khi một ngân hàng đầu tư khác, Bear Stears, đóng cửa. Lisa, hiện đã 50 tuổi, chia sẻ: "Có rất nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro và tín dụng. Trừ khi có ai đó mắc lỗi, nếu không chuyện này sao có thể xảy ra?"
Lehman giải thể đã lấy đỉ 1 triệu USD tiết kiệm của Lisa.
Ở thời điểm đó, bà phải bắt đầu lại từ đầu. Bà bắt đầu lo lắng về học phí đại học của con mình và khoản tiền dưỡng già. Cha mẹ bà cũng có giao dịch với Lehman, và do đó, cũng chịu nhiều tổn thất.
Sau đó, Lisa làm luật sư cho một số công ty tài chính nhỏ với mức lương bằng nửa mức lương tại Lehman. Tuy nhiên, tổn thất về tài chính không phải là nặng nề nhất. Bà chia sẻ: "Tôi đã đánh mất bản ngã của mình. Công việc kinh doanh của chúng tôi đã chấm dứt."
Charles Kwalwasser
Thời gian làm việc tại Lehman: 2004-2008
Ở một thời điểm nào đó, Charles Kwalwasser hẳn đã rất hạnh phúc vì đã dành cả sự nghiệp cho Lehman Brothers.
Năm 2004, ông được tuyển dụng vào vị trí luật sư tài sản trí tuệ của ngân hàng. Đây là một cột mốc quan trọng với ông.
Công việc của ông là xây dựng danh mục bằng sáng chế của ngân hàng. Charles chưa từng nghĩ rằng công việc của mình sẽ gặp rủi ro. Ông chia sẻ: "Lehman rất khổng lồ. Tôi thiết nghĩ không ai nghĩ rằng công ty sẽ phá sản."
Tuy nhiên, khi Lehman phá sản, Charles đã mất đi khoảng 200.000 USD bởi ông đầu tư một phần hoa hồng để mua cổ phiếu của Lehman.
Sau sự kiện này, sự nghiệp của ông gặp nhiều khó khăn với nhiều lần chuyển việc. Khác với cha mình, người chỉ làm việc cho hai cơ sở lớn là sàn NYSE và Ủy ban chứng khoán Mỹ, ở hiện tại, Charles (41 tuổi) đã đổi việc năm lần, và có lẽ, ông cũng sẽ không bất ngờ nếu con số này tăng gấp đôi trước khi ông nghỉ hưu.
Charles cho rằng các công ty không còn đầu tư nhiều cho yếu tố con người như trước đây, và nhân viên hiện nay cũng tập trung vào bản thân mình nhiều hơn.
Ông hi vọng một ngày nào đó có thể tìm lại đam mê với bất động sản và kiến trúc. Trong khi trước đây, tại Lehman, đồng phục của ông là comple và cà vạt, thì giờ đây, ông đủng đỉnh tới nơi làm việc trong trang phục nghỉ dưỡng.
Renee Spero
Thời gian làm việc tại Lehman: 2003-2008
Khi Lehman nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Renee Spero, trợ lý phó chủ tịch tại Lehman, đang mang thai 10 tuần.
Trong suốt ngày cuối tuần sóng gió ấy, bà không thể rời mắt khỏi màn hình tivi.
Spero bắt đầu làm việc tại Lehman 5 năm trước đó ở vị trí chuyên viên phân tích tài chính. Bà đã gặp chồng mình tại công ty và từng mơ mộng sẽ dành cả sự nghiệp tại đây. Spero chia sẻ: "Tôi từng nghĩ tôi sẽ nghỉ hưu tại Lehman."
Sau khi Lehman phá sản, bà tiếp tục thử sức tại một số công ty khác nhưng vô ích. Cạnh tranh quá gay gắt bởi nhiều người khác cũng thất nghiệp và cần tìm việc ở thời điểm đó.
Không chỉ vậy, những mức lương đề nghị bà nhận được đều khó có thể chi trả chi phí nuôi dưỡng con trai và con gái của bà. Vì vậy, bà quyết định dừng tìm việc làm trong lĩnh vực ngân hàng và hiện nay chỉ làm nội trợ tại gia. Tuy nhiên, bà dành vài tiếng mỗi tuần tại một trường mầm non địa phương tại New Jersey, trong khi chồng bà làm việc trong ngành tài chính.
Hiện này, Renee đã rời ngành được mười năm. Dù vậy, bà vẫn băn khoăn liệu có dễ dàng quay trở lại. Cuộc đời bà đã chệch hướng hoàn toàn sau khi Lehman sụp đổ.
Bà chia sẻ: "Tôi nhớ vị trí làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực tài chính tại Thành phố New York. Đôi khi, tôi muốn mặc một chiếc áo in dòng chữ: ‘Tôi từng có một công việc vĩ đại’."