Thị trường quốc tế dần hồi phục
Theo công bố từ Tổng cục Thống kê tính chung 9 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm 88,6%... Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng qua ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè. Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.
Đáng chú ý, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 10, các tỉnh thành tấp nập đón các đoàn khách quốc tế đến tham quan bằng đường biển hứa hẹn khai mở một mùa bội thu. Điển hình, ngày 2/9, Công ty CP Cảng Sài Gòn phối hợp với Sở Du lịch TPHCM và doanh nghiệp lữ hành tổ chức đón đoàn gần 100 du khách quốc tế đến tham quan bằng du thuyền cao cấp đến từ Pháp. Đây là đoàn du khách nước ngoài đầu tiên đến TPHCM bằng tàu biển sau gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tiếp đó, tối 7/10, du thuyền 5 sao Mekong Princess đã cập bến Ninh Kiều, đưa đoàn du khách New Zealand ghé thăm thành phố Cần Thơ. Ngày 9/10, tàu biển mang tên Le Lape’rouse (Pháp) đưa hơn 200 khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường châu Âu - châu Mỹ đến tham quan các danh lam thắng cảnh ở thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ngày 13/10, đoàn hơn 100 du khách trên du thuyền cao cấp 5 sao của Hãng Ponant (Pháp) cũng đã cập cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh để bắt đầu hành trình tham quan vịnh Hạ Long và các điểm du lịch tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), du lịch bằng đường hàng không đã tăng mạnh tại Bắc bán cầu vào mùa Hè năm 2022. Theo bản cập nhật về vận tải hàng không của IATA, tổng lưu lượng hàng không trong tháng 8 đã tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, châu Á ghi nhận du lịch hàng không phục hồi với tốc độ mạnh nhất với lưu lượng hàng không tăng hơn 3 lần. IATA dự báo lưu lượng hành khách sẽ trở lại mức của thời gian trước đại dịch vào năm 2024, sau khi sụt giảm tới 60% hồi năm 2020 do các nước đóng cửa biên giới để phòng dịch. IATA cũng dự báo ngành hàng không trong năm 2023 sẽ khởi sắc hơn. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Đón đầu cơ hội dịp Tết
Theo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cùng với sự mở cửa của nhiều thị trường quốc tế, thời gian gần đây hoạt động du lịch đưa khách Việt ra nước ngoài (outbound) đang rất sôi động, lượng khách có nhu cầu làm visa đi du lịch tăng vọt. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu mở bán tour Tết đón đầu nhu cầu du lịch sôi động dịp Tết Dương lịch và Tết Quý Mão 2023.
Tính đến nay Vietravel đã nhận được hơn 1.700 lượt khách quan tâm và đăng ký đặt chỗ các tour du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ khi triển khai chương trình khuyến mãi cuối năm. Dự kiến trong mùa thu - đông năm nay, Vietravel phục vụ khoảng 90.000 lượt khách. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel cho biết, doanh nghiệp đã chào bán các tour khởi hành thời điểm nghỉ Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán. Thị trường năm nay "mở bung" nên chắc chắn sẽ tăng trưởng hơn năm trước, trong đó mảng đi nước ngoài đang kỳ vọng hồi phục.
Sự trở lại của chuyến tàu biển quốc tế của Quảng Ninh đã đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho du lịch Việt Nam.
Các hãng hàng không cũng ráo riết vào cuộc khi du lịch nở rộ với tăng tần suất bay, mở mới đường bay quốc tế. Đồng thời, để phục vụ du khách dịp cuối năm, dù khó khăn các hãng hàng không vẫn đang được thực hiện các đơn hàng thuê máy bay theo đúng tiến độ. Chẳng hạn Bamboo Airways đã nhận thêm một máy bay Airbus A321 Neo ngày 8/10, nâng tổng số đội bay lên 30 chiếc. Trong khi đó, giữa tháng 10/2022, Vietjet đón thêm một máy bay Airbus A330, với số lượng ghế gần 400 chỗ, gấp đôi so với máy bay A321. Dự kiến cuối năm nay hãng sẽ thêm bảy máy bay đưa về Việt Nam, nâng tổng số lên khoảng 78.
Theo Vụ Thị trường du lịch, có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến dòng khách quốc tế đến Việt Nam. Điển hình như, khoảng 60-70% khách quốc tế đến từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn du lịch; việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn; thời gian vừa qua chưa phải mùa cao điểm du lịch quốc tế; xung đột quân sự Nga - Ukraine; thiếu văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài,... nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng.
Do đó, mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan về nguồn khách, song theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa thể tăng trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19. Hiện ngành Du lịch mới đi được 1/3 chặng đường mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, các khu du lịch, điểm đến tham quan tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhiều sản phẩm thế mạnh để thu hút du khách.