Sau nhiều phiên hút dòng tiền, phiên 24/8, cổ phiếu chứng khoán bị bán mạnh, ngoại trừ các nhà đầu tư "đu đỉnh" ngày hôm qua thì đang tạm lỗ, thì hầu hết những nhà đầu tư bắt sóng cổ phiếu chứng khoán từ 2 tuần nay đều đang có lãi, nếu cầm trên 1 tháng, mức sinh lời còn tốt hơn.
Điển hình như APG, tính từ đầu tuần trước (16/8) đến nay, cổ phiếu này đang ghi nhận mức tăng giá hơn 42%, với 6 phiên tăng trần liên tiếp, hiện đang ở vùng 16.350 đồng/cp. Nếu tính mức giá phiên 23/8, APG tăng hơn 49%.
"Mua APG vì sắp bán vốn cho cổ đông nước ngoài" là thông tin lan truyền về cổ phiếu cổ CTCP chứng khoán APG cách đây hơn 2 tháng, khi đó, giá cổ phiếu APG chỉ khoảng 9.000 đồng/cp. Thực tế diễn biến giá cổ phiếu cũng tăng nhanh sau đó lên vùng 12.000 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 30%, nhưng sau đó diễn biến cổ phiếu này có phần ngược chiều chung với nhóm cổ phiếu chứng khoán, khi gần như đi ngang, hoặc biến động khoảng 10%.
Đà tăng kể trên chỉ xuất hiện với thông tin CTCP Louis Capital (TGG) trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 573 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 30 triệu cp cho nhà đầu tư với giá 15.000 đồng/cp, tương đương số tiền thu được từ đợt phát hành là 450 tỉ đồng. TGG dự kiến sẽ giải ngân khoảng 200 tỷ đồng để mua cổ phần APG.
Song hành cùng đó, APG cũng có nghị quyết tổ chức ĐHCĐ bất thường để trình cổ đông kế hoạch tăng vốn, bầu bổ sung thành viên HDQT, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Đặc điểm các cổ phiếu nằm thuộc các DN thành viên của Louis Holding như BII, AGM, TGG và sắp tới là APG đều có đà tăng giá phi mã trước câu chuyện "thay máu đổi chủ".
Tăng giá không kém, từ 16/8 đến nay, EVS ghi nhận mức tăng gần 43% với nhiều phiên tăng trần, hiện đang ở vùng 34.100 đồng/cp, nếu tính theo giá đóng cửa phiên 23/8, EVS tăng 53%.
Diễn biến đáng chú ý tại EVS là kế hoạch tổ chức DHCĐ bất thường ngày 30/9 tới với nội dung chính là miễn nhiễm và bầu thay thế HDQT. Đây là dấu hiệu thay máu đổi chủ được các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường nhìn nhận.
EVS tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương (mã OCS) dưới thời ông Hà Văn Thắm, từng do nhóm Ocean Group nắm cổ phần chi phối, thông qua những pháp nhân và cá nhân có liên quan như CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương và ông Vũ Hồng Sơn.
Đầu năm 2018, OGC hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 22,5 triệu cổ phần OCS tương ứng 37,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của OCS. Bên nhận chuyển nhượng là 4 cá nhân bao gồm ông Nguyễn Ngọc Khánh (9,5% vốn); ông Phạm Xuân Thành (9,5% vốn); ông Nguyễn Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Thùy Dương mỗi người nhận khoảng 9,5% vốn.
Tại thời điểm 30/6/2021, cổ đông lớn của EVS còn có ông Phạm Ninh Hải (7,5%), ông Trần Đình Lợi (9,17%), Ngân hàng Đại Dương 5,5%. Trong đó, ông Phạm Ninh Hải, theo đăng ký kinh doanh - là người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Gia Tuệ. Pháp nhân này từng sở hữu tới 1,4 triệu cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Minexport) – thành viên của Gami Group (hợp nhất vào tập đoàn năm 2018). Nói thêm về Gami Group, người sáng lập là ông Nguyễn Tiến Dũng - hiện là Phó Chủ tịch thường trực NVB.
Năm 2020, Minexport phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, với đơn vị tư vấn phát hành, đại lý phát hành và lưu ký trái phiếu là EVS.
Mối liên quan giữa EVS và Gami Group còn thể hiện ở việc cùng đầu tư vào GMA của CTCP Enteco Việt Nam. Tại thời điểm 30/6/2021, EVS ghi nhận giá trị thị trường của khoản đầu tư vào cổ phiếu NVB là 244,9 tỷ đồng, chênh lệch tăng 139,4 tỉ đồng so với giá mua trong kỳ. Tương tự, khoản đầu tư GMA có giá thị trường hơn 56,5 tỷ đồng, chênh lệch tăng 51,5 tỷ đồng so với giá mua.
Tuy nhiên, đáng chú ý, ngày 29/7 vừa qua, bà Bùi Thị Thanh Hương bất ngờ thay thế nhà sáng lập Gami Group Nguyễn Tiến Dũng làm Chủ tịch HĐQT NVB. Được biết, bà Hương đã nắm giữ các vị trí quản lý trong lĩnh vực quản trị chiến lược tại các tổ chức tài chính ngân hàng lớn…và giữ vai trò CEO tại một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam - Sun Group.
Với các mối liên hệ và diễn biến này, nhiều dự báo cho rằng, sẽ có chuyển động lớn ở cơ cấu cổ đông của EVS, theo hướng về chung một mối cùng nhóm cổ đông lớn ở NVB.
Trong khi đó, ở VDS – từng có thông tin các năm trước về việc sẽ bán vốn cho đối tác ngoại đến từ Hàn Quốc, nhưng deal này đã không thành công. Cổ phiếu VDS các năm trước không có nhiều biến động, thường xuyên ở vùng giá 10.000-11.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trong năm nay, VDS là cổ phiếu có mức tăng giá rất ấn tượng, lên vùng 2x. Và hiện đang ở mức 29.200 đồng/cp, tăng 15% so với đầu tuần trước, còn nếu so với giá đóng cửa 23/8, VDS tăng 23%.
Theo ghi nhận của người viết, trong một số room trao đổi, tư vấn cổ phiếu, môi giới khuyến nghị nhà đầu tư mua VDS với câu chuyện đang có kế hoạch bán vốn cho đối tác ngoại. Thông tin này chưa được xác nhận, nhưng những nhà đầu tư mua cổ phiếu VDS sớm vì tin này cũng đã có lời tương đối.
Trong cơ cấu cổ đông của VDS hiện không có cổ đông lớn tổ chức nào, chỉ gồm các cổ đông lớn cá nhân là ông Nguyễn Miên Tuấn 17,79%, - là Chủ tịch HDTQ VDS, ông Nguyễn Hoàng Hiệp 16,98%, ông Nguyễn Xuân Đô 16,98% và bà Phạm Mỹ Linh 11,91%.
Tương tự ở CTS với kỳ vọng "game thoái vốn" của CTG, giá cổ phiếu CTS cũng có mức tăng 23% (16/8-23/8). Theo báo cáo xuất bản trong tháng 7 của KBSV có nội dung, CTG đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm vốn góp tại Chứng khoán VietinBank (Vietinbank Securities, CTS) khoảng 15%, để đưa tỷ lệ sở hữu giảm từ 75,6% về mức trên 50% vốn điều lệ CTS.
Với tỷ lệ bán kể trên, khó để tạo thành một thương vụ M&A tại CTS, nhưng nếu tìm kiếm được đối tác đồng hành, thì đây là một động lực cho cổ phiếu CTS.
Cũng là CTCK có cổ đông mẹ là Ngân hàng, ACBS cũng từng lên kế hoạch bán vốn cho đối tác nước ngoài nhưng thương vụ bất thành, do đối tác Hàn Quốc muốn mua chi phối hoặc toàn bộ công ty, trong khi ACBS lại muốn tìm đối tác hợp tác.
Ngược lại với CTCK trên được hỏi mua bởi khối ngoại, CTCP chứng khoán Tiên Phong (viết tắt TPS, tiền thân là chứng khoán Phương Đông – mã chứng khoán ORS) có cổ đông lớn liên quan đến ngân hàng Tiên Phong, cụ thể TPB đang sở hữu hơn 9% vốn và sự xuất hiện của ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HDQT TPB đang là Chủ tịch TPS. Dù đợt phát hành riêng lẻ 2019, không xuất hiện TPB, thay vào đó là hai cá nhân là bà Vũ Lê Thùy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Loan, mỗi người mua 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng, logo, hình ảnh của TPS có nét tương đồng với bộ nhận diện thương hiệu của TPB, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa TPB và TPS.
Kế hoạch sắp tới của TPS, sau khi tăng vốn, là việc hủy đăng ký giao dịch tại Upcom và chuyển sàn niêm yết lên HOSE trong năm 2021.
Không chỉ ở các công ty chứng khoán đã niêm yết, việc tìm mua công ty chứng khoán vẫn liên tục diễn ra mạnh mẽ từ năm 2018 đến nay, chẳng hạn thương vụ công ty Encapital của cựu CEO VND – ông Nguyễn Hoàng Giang mua lại công ty chứng khoán Đại Nam; bóng dáng của Huyndai Thành Công trong việc mua lại Công ty chứng khoán Đà Nẵng; hay ghi nhận của người viết về nhiều nhóm hỏi mua lại công ty chứng khoán Sen Vàng khi TDH công bố thoái toàn bộ 3 triệu cổ phiếu tại đây (cổ đông lớn liên quan đến HBC và các lãnh đạo của HBC); hay thương vụ ngân hàng thương mại Kwangju Bank thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group đã ký thỏa thuận mua lại Công ty Chứng khoán Morgan Stanley Gateway (MSGS) với mức giá 382,4 tỷ đồng (16,5 triệu USD); Hanwha đã mua lại Công ty Chứng khoán HFT và đổi tên thành Công ty Chứng khoán Pinetree…
Nguyên nhân chính của việc tăng nhu cầu mua lại công ty chứng khoán là với dư địa phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam (số lượng người tham gia tăng lên, sản phẩm phát triển đa dạng hơn…). Tuy nhiên, từ lâu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ngừng cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán, vì vậy, chỉ có thể mua lại CTCK hiện hữu để gia nhập. Trong đó, các CTCK quy mô nhỏ, thậm chí hoạt động kém hiệu quả…được săn đón nhiều hơn vì chi phí mua sẽ thấp hơn, và dễ tái cấu trúc công ty hơn.
Và bên mua, không chỉ từ các nhà đầu tư ngoại, mà còn từ cả những DN, nhóm nhà đầu tư trong nước.