Lợi nhuận giảm trong nửa đầu năm
Tại thời điểm này, 3 doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết sàn chứng khoán đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, gồm Khoáng sản Bình Dương (Bimico - HoSE: KSB ), Hóa An ( HoSE: DHA ) và Đá Núi Nhỏ ( HoSE: NNC ). Một số doanh nghiệp khác như Cường Thuận Idico ( HoSE: CTI ) hay CIC39 ( HoSE: C32 ) chưa công bố.
Cả 3 công ty trên đều có doanh thu, lợi nhuận giảm trong quý II. Đá Núi Nhỏ có kết quả kinh doanh giảm sâu nhất: doanh thu giảm 49% còn lợi nhuận giảm 60%. Công ty cho biết nguyên nhân là sản lượng đá tiêu thụ giảm hơn 54% cùng kỳ.
Đơn vị: tỷ đồng
Đối với công ty Hóa An, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm 6% cùng kỳ, đạt lần lượt gần 96 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.Bimico cũng có doanh thu giảm 19%, lợi nhuận sau thuế cổ đông giảm 29%, lần lượt đạt 321 tỷ đồng và 76 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, phần vật liệu xây dựng, khoáng sản giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng |
Tương tự quý II, kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiệp cũng giảm. Đá Núi Nhỏ có doanh thu giảm 46%, lợi nhuận giảm 53% cùng kỳ, hoàn thành lần lượt 57% và 79% kế hoạch năm. Bimico ghi nhận doanh thu giảm 18% còn lợi nhuận giảm 20%, hoàn thành lần lượt 47% và 45% chỉ tiêu cả năm. Còn Hóa An, doanh thu giảm 4%, lợi nhuận tương đương cùng kỳ, hoàn thành lần lượt 47% và 59% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh sụt giảm hoặc đi ngang đã được ghi nhận ở Bimico và Đá Núi Nhỏ trong năm 2020. Trong năm này, Đá Núi Nhỏ có doanh thu 401,5 tỷ đồng, giảm 22% và lợi nhuận sau thuế gần 111 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước. Còn Bimico có kết quả tương đương cùng kỳ, với doanh thu 1.322 tỷ đồng còn lợi nhuận 327,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân giảm lợi nhuận
Đá Núi Nhỏ vốn khai thác chủ yếu ở 3 mỏ chính: Núi Nhỏ (Bình Dương), Mũi Tàu (Đồng Phú, Bình Phước) và Tân Đông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương). Tuy nhiên, mỏ Núi Nhỏ và mỏ Tân Đông Hiệp đã hết hạn khai thác từ 31/12/2019, còn mỏ Mũi Tàu có sản lượng khai thác khoảng 1,4 triệu m3/năm. Năm 2020, theo công ty, thị trường tiêu thụ mỏ Mũi Tàu không có, các dự án hạ tầng giao thông không nhiều dẫn đến sản lượng khai thác thấp, chỉ đạt 54%. Vì vậy cả năm 2020, sản lượng đá khai thác của công ty chỉ đạt gần 1,5 triệu m3, thấp hơn 46% năm trước và hoàn thành 70% kế hoạch năm.
Trong năm nay, mỏ Núi Nhỏ sẽ ngưng khai thác vào tháng 9. Công ty còn mỏ Mũi Tàu và không được khai thác vượt mức giấy phép phê duyệt. Kế hoạch đá khai thác cả năm chỉ 1 triệu m3, giảm 33% thực hiện năm trước. Ban lãnh đạo dự đoán năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2020. Kế hoạch doanh thu 208 tỷ đồng, lợi nhuận 35 tỷ đồng, giảm lần lượt 50% và 74% thực hiện năm trước.
Còn công ty Hóa An với 3 mỏ đang khai thác gồm Thạnh Phú 2 (20 ha, Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Tân Cang 3 (gần 22 ha, Tam Phước, TP Biên Hòa) và Đá Núi Gió (hơn 18 ha, Hớn Quản, Bình Phước). Kế hoạch sản lượng khai thác các mỏ này trong năm nay chỉ đạt khoảng 90 - 94% so với thực hiện năm trước. Trong đó, mỏ Thạnh Phú 2 chiếm tỷ trọng 54%, đạt trên 1,2 triệu m3. Từ đầu năm, ban lãnh đạo công ty đã dự báo Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng và sản xuất vật liệu. Kế hoạch doanh thu giảm 10% còn lợi nhuận giảm 26% so với thực hiện năm trước, đạt lần lượt 354 tỷ đồng và 73 tỷ đồng.
Hoạt động khai thác, chế biến đá của Bimico. Ảnh: KSB |
Hiện tại, Bimico có các mỏ như Phước Vĩnh (Phú Giáo, Bình Dương), Tân Mỹ (Tân Uyên, Bình Dương), Thiện Tân 7 (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Trong đó, mỏ Thiện Tân 7 đang tiếp tục được đền bù để mở rộng hiện trường khai thác; mỏ Tân Đông Hiệp đã hết thời hạn khai thác và không còn đóng góp vào kết quả kinh doanh năm nay.
Đối với kết quả kinh doanh 6 tháng giảm, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Bimico cho biết diễn biến này đã nằm trong tính toán khi lợi nhuận từ mỏ Tân Đông Hiệp không còn. Đồng thời, từ đầu năm tới nay, ngoài tháng 1 - 2 nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường còn đối mặt với dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5 dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm, lưu thông chậm. Giá thép tăng cũng làm nhiều công trình xây dựng nghỉ thi công, ảnh hưởng nhu cầu đá. Trong khi đó, giá đá không tăng, chỉ tương đương năm trước. Hiện tại, Bimico đang làm hồ sơ, giấy phép, dự kiến cuối năm sẽ đưa vào khai thác mỏ Tân Lập và tìm đối tác chuyển nhượng mỏ ở Thanh Hóa.
Nói về các dự án đầu tư công, ông Đạt đánh giá gần đây, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông thiếu nguyên vật liệu, nhưng chủ yếu là thiếu đất san lấp, không thiếu đá. Để các doanh nghiệp đá được hưởng lợi từ đầu tư công thì cần thời gian, do giải ngân vốn chưa cao, các dự án chưa triển khai được nhiều. Hơn nữa, ông Đạt kỳ vọng vào các công trình "đi theo" dự án đầu tư công. Ví dụ, với sân bay Long Thành, lượng đá dành cho dự án chỉ là một phần, còn phần lớn khác nằm ở các khu tái định cư rộng cả nghìn ha, công trình phụ trợ (khu công nghiệp, khu dân cư)... Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư công đóng vai trò kích thích cho các dự án vệ tinh phát triển, nhu cầu đá cũng tăng lên.