Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị vốn hóa thị trường. Do đó diễn biến giá của nhóm cổ phiếu này trong mỗi phiên giao dịch tác động khá lớn đến chỉ số VN-Index. Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán năm 2021, mỗi khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử đều có sự đóng góp tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong những phiên cuối năm 2021, cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền tốt hơn. Bước sang năm 2022, ngay phiên đầu tiên nhóm dần thể hiện vai trò trụ cột khi dẫn dắt VN-Index vượt 1.500 điểm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhóm "cổ phiếu vua" sẽ hút dòng tiền trong thời gian tới.
Đánh giá ở góc độ tổng thể, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, tuy sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2022, nhưng hoạt động ngành Ngân hàng vẫn có nhiều thuận lợi.
Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả
Theo đó trong năm 2022, nền kinh tế được dự báo phục hồi đáng kể, điều này sẽ kéo theo cầu tín dụng phục hồi. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhất là mảng dịch vụ bán lẻ… của các ngân hàng đang diễn ra rất tích cực, giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu nhập từ dịch vụ. Mặt khác, gần đây các ngân hàng liên tục củng cố năng lực tài chính, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Đến nay tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng phổ biến hơn 100%, cá biệt nhiều ngân hàng trên 200-300% (trong khi trước dịch bùng phát tỷ lệ chỉ ở mức khoảng 70-80%). "Với việc trích lập dự phòng tăng mạnh vừa qua, hệ thống ngân hàng có đủ lực để ứng phó với rủi ro trong một, hai năm tới", vị này cho biết.
Các chuyên gia dự báo, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Theo nhận định của bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, năm 2022, ngân hàng là một trong những ngành được hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy đầu tư công và phục hồi cầu tín dụng.
Đợt điều chỉnh giá của nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng từ giữa năm 2021 chủ yếu phản ánh rủi ro áp lực trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Sau thời gian điều chỉnh, định giá của nhóm ngân hàng đã giảm 12 -15% so với mức đỉnh, giúp nhóm này trở nên hấp dẫn hơn trong thời điểm hiện tại.
Do đó, bà Hiền kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm 2022, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Bởi trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế.
Nhận định trên trùng khớp đánh giá trong báo cáo về ngành Ngân hàng mới công bố của SSI Research. Theo định chế này, quan ngại về rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong nửa đầu năm 2022 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên mức giá hiện tại có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng tốt.
Chung quan điểm, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, cổ phiếu ngân hàng thời gian qua gần như đã giảm xuống vùng đáy, dù có tăng mạnh 1 - 2 phiên thì vẫn ở vùng rất hấp dẫn cho việc đầu tư trong khoảng 6 tháng.
Ngoài yếu tố kết quả kinh doanh khả quan, theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Agriseco, có năm yếu tố có thể kỳ vọng nhóm ngành này sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới sau khoảng thời gian đi ngang tích lũy khá dài.
Đầu tiên, tăng trưởng tín dụng quý IV/2021 đã hồi phục mạnh mẽ trở lại so với quý III và dự kiến đạt xấp xỉ 14% trong năm 2021. Kỳ vọng năm 2022, tín dụng sẽ tăng trưởng tích cực do nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại cùng các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được dự kiến triển khai thời gian tới.
Thứ hai, nợ xấu của các ngân hàng có thể gia tăng nhưng khả năng vẫn sẽ trong tầm kiểm soát do thị trường bất động sản - tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng, duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Thứ ba, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
Thứ tư, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Cuối cùng, định giá ngành Ngân hàng Việt Nam hiện tại theo P/B (2,2x) dù cao hơn so với trung bình các nước trong khu vực (1,4x) nhưng vẫn thấp hơn so với VN-Index và có ROE (21,3%) cao vượt trội so với các nước trong khu vực (12,8%).
Tuy nhiên, dòng tiền có thể có sự phân hóa. Các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt hoặc có các câu chuyện riêng về tăng vốn, ký kết bảo hiểm độc quyền… có thể sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Một chuyên gia chứng khoán khác đồng quan điểm cho rằng, dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng có sự phân hóa khá mạnh nên nhà đầu tư cần cân nhắc lựa chọn cổ phiếu có dòng tiền tăng tốt cũng như kết quả kinh doanh nổi bật để tối ưu hóa lợi nhuận.
Kết thúc phiên cuối tuần ngày 7/1/2022, VN-Index giảm nhẹ 0,09% đóng cửa ở mức hơn 1.528 điểm, giá cổ phiếu ngân hàng đan xen tăng giảm. Một số cổ phiếu giữ sắc xanh như LPB, MBB... nhưng so với cách đây một tháng giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt như STB tăng từ mức giá 28.050 đồng/cp lên 31.950 đồng/cp.