UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hoàn chỉnh hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) nhằm tham mưu, dự thảo văn bản để UBND TP Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng theo đúng quy định.
Dự kiến phê duyệt cuối năm 2021
Trước đó, góp ý cho quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định Bộ NN-PTNT thống nhất với đề nghị của TP Hà Nội về giải pháp quy hoạch đê và đường ven sông. Riêng đối với việc đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, Bộ NN-PTNT cho rằng Quy hoạch 257/QĐ-TTg đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ cần phải di dời, trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề. Mặt khác, trong quá trình thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn, cũng đã xác định các khu vực dân cư trên cần từng bước di dời để bảo đảm an toàn. "Đề nghị Hà Nội thực hiện theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg của THủ tướng" - ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.
Phân khu đô thị sông Hồng sẽ là không gian phát triển mới cho thủ đô Hà Nội
Đối với 3 khu vực bãi sông Tàm Xá - Xuân Canh, Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết đây là khu vực được phép xây dựng và có thể nghiên cứu nhưng hồ sơ mà bộ này nhận được không có thông số cụ thể về diện tích quy hoạch xây dựng tại các khu vực bãi sông nêu trên. Theo đó, TP Hà Nội cần rà soát cụ thể để thực hiện phù hợp với Quy hoạch 257/QĐ-TTg, trong đó, bãi Tàm Xá - Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2 ha (15% x 408 ha).
Diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng (đối với các bãi sông còn lại) bằng 5% diện tích bãi quy định trong Quy hoạch 257/QĐ-TTg; bãi Thượng Cát - Liên Mạc diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 3,45 ha (5% x 69 ha); bãi Chu Phan - Tráng Việt diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 18 ha (5% x 360 ha). Trong đó, lưu ý phạm vi bãi Chu Phan - Tráng Việt bao gồm cả phần bãi phía thượng lưu cầu Hồng Hà (nằm ngoài phạm vi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng).
Trên cơ sở các lưu ý của Bộ NN-PTNT, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định Hà Nội sẽ nghiên cứu các ý kiến trên. "Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Do đó, ngoài ý kiến của Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội đang đẩy nhanh việc xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Sau đó, báo cáo Thành ủy, tiếp đó sẽ thực hiện phân cấp theo thẩm quyền… Dự kiến cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt" - vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội thông tin.
Mong từng ngày
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ đem lại sinh kế cho nhân dân, huy động được nguồn lực rất quan trọng về đất đai, cảnh quan, môi trường để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới cho thủ đô Hà Nội nên các cơ quan liên quan đang gấp rút hoàn thiện.
Theo ông Dương Đức Tuấn, trước đây, TP Hà Nội gần như quay lưng lại với sông Hồng vì chưa có quy hoạch nào ở hai bên sông. Vì vậy, rất khó khăn cho chính quyền các địa phương khi quản lý các khu vực ven sông Hồng, sinh ra tình trạng lấn chiếm, khai thác các quỹ đất ven sông không có kiểm soát, không thể triển khai các dự án để cải tạo chỉnh trang được. "Khi có quy hoạch, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, chính quyền các địa phương sẽ có cơ sở để sử dụng vốn ngân sách hoặc huy động các nguồn lực từ xã hội để tiến hành cải tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông. Lúc đó, sông Hồng sẽ đẹp hơn, trở thành trung tâm của thủ đô, kiến tạo một trục không gian cảnh quan xanh cho thành phố" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng với tính chất là đô thị đặc biệt thì trong quy hoạch đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của thành phố là hoàn toàn đúng đắn. Còn lãnh đạo UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) nhấn mạnh tổng diện tích đất tự nhiên của quận Hoàng Mai hiện có hơn 4.100 ha, trong đó gần 1.000 ha thuộc vùng bãi sông Hồng chưa có quy hoạch được duyệt. Riêng phường Lĩnh Nam có 350 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích toàn phường với hơn 11.000 người dân sinh sống khu vực ngoài đê. "Với diện tích rộng, địa hình bằng phẳng, gần trung tâm thành phố, nhiều tiềm năng để phát triển nhưng do chưa có quy hoạch nên chính quyền địa phương chưa có căn cứ để giao đất, cấp phép xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu về mặt bằng, kho bãi, nhà xưởng để phục vụ phát triển rất lớn" - lãnh đạo phường Lĩnh Nam đánh giá.
Chính vì vậy, lãnh đạo UBND phường Lĩnh Nam cho rằng hơn ai hết, những người dân đang sống ở khu vực bãi sông tại nhiều quận, huyện, trong đó có nhân dân và cán bộ phường Lĩnh Nam đang mong từng ngày quy hoạch được phê duyệt, công bố công khai để dân biết, dân bàn, giám sát và thụ hưởng.
Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác lập quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 26-3-2020 của UBND TP. Trong đó, tiến độ lập quy hoạch thành phố rút ngắn từ 24 tháng còn khoảng 18 tháng.
Quy hoạch thành phố được triển khai theo Luật Quy hoạch và chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bảo đảm lồng ghép thống nhất nội dung. UBND TP phân công Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt; phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và các đơn vị liên quan bảo đảm lồng ghép, tích hợp đồng bộ, thống nhất nội dung quy hoạch TP Hà Nội với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố, các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô và các quy hoạch khác.