Là 1 trong 3 mã cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 20/7/2000, khác với REE hay SAM, cổ phiếu HAP của Hapaco 20 năm qua giao dịch khá mờ nhạt, thanh khoản thấp. Kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giấy, bệnh viện, đầu tư tài chính… nhưng việc tăng vốn của HAP trong chừng ấy năm tỏ ra kém cạnh "đội bạn" khi từ mức 11 tỷ ban đầu đến nay chỉ dừng ở 556 tỷ đồng.
So với 2 đơn vị cùng niêm yết đầu tiên là Cơ điện lạnh (REE) và SAM Holdings (SAM), vốn hóa thị trường đến nay đã lần lượt đạt đến 11.000 tỷ và 2.700 tỷ, trong khi con số của Hapaco hiện chỉ quanh quẩn mức 270 tỷ đồng. Quy mô kinh doanh cũng chỉ dừng lại ở mức vài trăm tỷ doanh thu, lãi ròng xuyên suốt những năm qua chưa bao giờ chạm mốc 100 tỷ. ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 6/2020 mới đây cũng chưa có thấy một sự khác biệt.
Công ty trình kế hoạch doanh thu ở mức 414,7 tỷ đồng, LNTT chỉ khoảng 28 tỷ. Gặp khó khăn về dòng tiền, HAP quyết định dừng việc triển khai dự án giấy do chi phí quá cao, cũng như công nghệ không còn tính cạnh tranh dẫn đến sẽ không còn hiệu quả. Dự án lớn duy nhất trong năm 2020 ban lãnh đạo đề ra là triển khai giai đoạn 2 bệnh viện Green.
Quy mô kinh doanh cũng chỉ dừng lại ở mức vài trăm tỷ doanh thu, lãi ròng xuyên suốt những năm qua chưa bao giờ chạm mốc 100 tỷ.
Nhưng, quyết tâm lớn bỗng xuất hiện tại Nghị quyết dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm 2020, Hapaco công bố hàng loạt dự án lớn. "Hưởng ứng lời kêu gọi tại lễ kỷ niệm 20 năm mở cửa thị trường chứng khoán Việt Nam, HĐQT Hapaco quyết tâm chuyển biến hoạt động sản xuất kinh doanh như đã từng phát triển giai đoạn đầu niêm yết 20 năm trước", theo đó, HĐQT chủ trương xây dựng 5 dự án lớn với tổng vốn tự chủ vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Chi tiết gồm:
(1) Dự án dây chuyền sản xuất giấy tissue: Tổng mức đầu tư 150 tỷ, công suất 17.000 tấn/năm, doanh thu dự kiến khoảng 400 tỷ đồng/năm. Diện tích vào khoảng 3ha đất công nghiệp đã có đủ hạ tầng tại xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Trong khi Công ty mới đây vừa cho biết sẽ dừng triển khai dự án giấy do khó khăn về dòng tiền.
(2) Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt – Hàn: Quy mô 800 giường, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Đây là bệnh viện thứ 2 do Hapaco và tập đoàn Hàn Quốc Yuil Trading Corporation hợp tác sau bệnh viện Quốc tế Green.
(3) Trung tâm thương mại quốc tế: Quy mô 22 tầng và 2 tầng hầm, được đặt tại khu đất của CTCP Thương mại dịch vụ Hải Phòng tại số 135 Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Hapaco sẽ góp 85 tỷ đồng cùng với các đối tác nước ngoài từ Anh và Nhật.
(4) Toà nhà văn phòng cho thuê: Quy mô 18 tầng với tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện tại khu đất 10.000m2 tại số 9 đường Cầu Bình, quận Hồng Bàng, Hải Phòng thuộc quyền sử dụng của Hapaco, dự án này đã có chủ trương đầu tư của thành phố.
Ngoài ra, Hapaco cũng đánh tiếng sẽ nghiên cứu tính khả thi của một số dự án bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị tại Hải Phòng. Được biết, vốn tự có hiện nay của Hapaco chính là 27,6 ha đất sở hữu tại Hải Phòng, nơi Công ty dự kiến triển khai hàng loạt dự án.
Kế hoạch trên nhanh chóng phản ánh vào giao dịch cổ phiếu, HAP trên thị trường kịch trần liên tiép 7 phiên bất chấp thị trường chung lình xình giữa đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 2. Chốt phiên 15/8, thị giá HAP đạt 4.850 đồng/cp, tăng 62% chỉ trong 10 phiên giao dịch đầu tháng 5. Thanh khoản cổ phiếu cũng nhảy vọt từ khoảng 70.000 đơn vị/phiên lên mức kỷ lục hơn gần 2 triệu cổ phiếu.
Dù sở hữu danh mục đất lớn, tiềm lực tài chính Hapaco hiện khá khiêm tốn với tổng tài sản ở mức 830 tỷ đồng, lượng tiền và tiền gửi chỉ đạt gần 55 tỷ đồng. Vay nợ tài chính vào khoảng 20 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tương đương 704 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông Hapaco hiện khá loãng khi chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất là Chủ tịch HĐQT Vũ Dương Hiền nắm giữ 12,91% cổ phần.