Vì nông nghiệp mà bấp bênh
3 năm trước, ngân sách sách trung ương phải trợ cấp cho tỉnh Hưng Yên hơn 1.706 tỷ đồng. Số thu năm nay dự kiến đạt 11.855 tỷ đồng, thấp hơn trung bình một huyện của TP.HCM. Thu nhập thấp và bấp bênh trong lĩnh vực nông nghiệp đã dẫn đến những chênh lệch rất lớn về số thu ngân sách (nổi tiếng với nhãn lồng và cam Quảng Châu).
Tây Nam Bộ nổi tiếng với danh xưng "vựa lúa", nhưng số thu ngân sách cũng chỉ tương đương Hải Phòng, với diện tich chỉ hơn 1.500km2. Dự toán trong năm 2018, ngân sách trung ương cần trợ cấp cho khu vực này thêm gần 36.737 tỷ đồng, ngang bằng số thu của tỉnh Quảng Ninh.
Đối với vựa lúa Thái Bình, tỉnh này dự kiến cần hỗ trợ thêm 4.600 tỷ đồng. Số thu của năm nay dự kiến đạt khoảng 7.241 tỷ đồng.
Hầu hết những địa phương có tỷ trọng nông nghiệp đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn cũng phải nhận trợ cấp từ trung ương. Chẳng hạn: Ninh Bình cần trợ cấp khoảng 2.315 tỷ đồng; Thanh Hóa cần gần 14.306 tỷ đồng; Bình Phước cần trợ cấp gần 2.595 tỷ đồng.
Phải nhận trợ cấp của trung ương cũng là thực tế tại nhiều tỉnh nông nghiệp khác. Mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, được quan tâm phát triển. Bản thân nông nghiệp cũng từng giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo và đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong những cuộc khủng hoảng.
Ngân sách mạnh nhờ nhà máy lớn
Theo Bộ Tài chính, đa số các tỉnh, thành phố mà dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 có điều tiết về trung ương sở hữu cơ cấu kinh tế nghiêng hẳn về công nghiệp, dịch vụ. Điều này thể hiện rất rõ trong danh sách 10 địa phương dẫn đầu về dự toán tổng thu ngân sách: TP.Hồ Chí Minh (376.780 tỷ đồng), Hà Nội (238.370 tỷ đồng), Hải Phòng (65.332 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (64.200 tỷ đồng), Đồng Nai (53.849 tỷ đồng), Bình Dương (52.330 tỷ đồng), Quảng Ninh (35.438 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (29.640 tỷ đồng), Đà Nẵng (25.875 tỷ đồng), Bắc Ninh (23.861 tỷ đồng).
Không những thế, chỉ cần có nhà máy công nghiệp lớn đóng trên địa bàn thì ngay cả những địa phương chưa phải tỉnh công công nghiệp cũng có điều tiết về ngân sách nhà nước: Quảng Nam có nhà máy ô tô Trường Hải, Khu kinh tế mở Chu Lai; Quảng Ngãi có nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất,...
Vĩnh Phúc, nơi đặt nhà máy của Honda và Toyota cũng có số thu ngân sách lớn, lên tới 29.640 tỷ đồng. Thậm chí, mức thu này còn vượt qua Đà Nẵng (25.875 tỷ đồng), địa phương đang chú trọng phát triển du lịch.
Tiềm năng du lịch cũng không giúp nhiều tỉnh miền Trung – Tây Nguyên tự cân đối được ngân sách. 15 tỉnh trong khu vực này vẫn cần ngân sách trung ương trợ cấp gần 71.653 tỷ đồng.
14 tỉnh miền núi phía Bắc cũng gặp khó khăn khi cần trung ương hỗ trợ 67.958 tỷ đồng. Con số này gần tương đương số thu dự kiến trong năm 2018 (52.787 tỷ đồng) và chỉ bằng số thu của tỉnh Đồng Nai (53.849 tỷ đồng).
Sẽ khó có thể đòi hỏi sự phát triển cao, đồng đều ở tất cả các tỉnh. Nhưng từ số thu ngân sách dự toán của các địa phương có thể thấy rằng, những tỉnh nông nghiệp thường thua kém những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh. Vấn đề nâng cao giá trị của nông nghiệp đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, tránh lặp lại tình trạng chỉ 25% số tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương, 75% còn lại vẫn phải nhận trợ cấp.